Nỗi lòng con trẻ
Mới đây, tại một chương trình truyền hình thực tế dành cho cha mẹ và con do Tiến sĩ Tô Nhi A làm người dẫn chương trình, cậu bé L.T.P - một “sao nhí” nổi tiếng đã có chia sẻ xúc động ngay trên sóng truyền hình: “Con không muốn đi diễn nhưng con buộc phải làm để có tiền cho gia đình. Con muốn phải kiếm thật nhiều tiền, trở thành người đàn ông trách nhiệm, biết chăm lo và không bạo lực gia đình. Nhưng, con đi quay mệt lắm, mẹ không biết con mệt đến cỡ nào. Ở phim trường con luôn phải giỡn, vì con biết nếu mình mệt thì mọi người cũng sẽ mệt theo. Con mong mẹ tìm được việc làm và sắp xếp thời gian cho con đi diễn ít lại một xíu nữa thôi”.
Tuy nhiên, phản ứng của người mẹ lại khiến nhiều khán giả ngạc nhiên. Người mẹ vẫn khẳng định đi diễn là mong muốn của con, công việc không vất vả như con kể và còn nhiều yếu tố khác như ràng buộc hợp đồng với khách hàng. Đồng thời, chị cũng chia sẻ hoàn cảnh là mẹ đơn thân, vất vả nuôi các con nên mong con trai L.T.P. có thể san sẻ gánh nặng ấy.
L.T.P. 10 tuổi, là diễn viên nhí từng xuất hiện trong nhiều bộ phim truyền hình và được vinh danh Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh Giải Cánh diều vàng 2021. Chỉ sau chương trình mới phát sóng, nhiều người hâm mộ mới biết đằng sau ánh hào quang của em ẩn chứa những áp lực gì. Nhiều khán giả đã bày tỏ xót xa cho cậu bé, một đứa trẻ ở tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” đã phải gánh vác trách nhiệm của một người lớn.
Một số quyền cơ bản của trẻ em được pháp luật bảo vệ. (Ảnh minh họa TTX) |
Cách đây một thời gian, trên sóng chương trình Điều con muốn nói, “sao nhí” 8 tuổi Th.V., một cô bé đa tài từng tham gia nhiều chương trình truyền hình và quen thuộc với các sàn catwalk đã bật khóc gửi đến mẹ nỗi ấm ức của mình.
Em kể, em thường xuyên phải nghỉ học, nghỉ đi ngoại khóa, không được tham gia các chương trình văn nghệ ở trường để dành thời gian đi diễn. Th.V. thường xuyên nghỉ học khiến việc học không theo kịp bạn bè, em mong muốn được như các bạn, nhưng mẹ em không cho vì “tham gia các chương trình trên truyền hình sẽ được nổi tiếng hơn”.
Trong khi đó, người mẹ lại cho rằng điều chị làm là “tốt cho con”, đang tận dụng các cơ hội đến với con, còn các hoạt động văn nghệ, ngoại khóa ở trường “không có con cũng không sao”.
Bảo đảm quyền của trẻ
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp trẻ phải chịu đựng áp lực của sự nổi tiếng. Thời gian qua, đây đó, mặt trái sự nổi tiếng của các “sao nhí” đã được phơi bày khi nhiều trẻ phải “chạy show” đến mức không có thời gian chơi với bạn bè, bê trễ việc học. Có những trẻ mới chỉ ở tuổi thiếu niên đã trở thành những diễn viên, người mẫu, ca sĩ “chuyên nghiệp”, đem lại nguồn kinh tế chính cho gia đình. Thời nở rộ của các chương trình gameshow truyền hình thực tế, không ít cha mẹ biến con mình thành những đứa trẻ đi “săn” các giải thưởng tài năng nhí, bất chấp việc con phải nghỉ học, không có thời gian vui chơi...
Khi trẻ nổi tiếng, được săn đón, đi diễn khắp nơi, thực tế bản thân đứa trẻ không nhận được nhiều lợi ích từ đó, mà lợi ích hầu hết thuộc về người lớn. Phần lớn trẻ đều mong muốn được học hành, vui chơi giải trí, được cha mẹ dành thời gian cho mình, thay vì những ngày đêm miệt mài trước ánh đèn sân khấu, trước những chuyến đi diễn liên miên.
Trong chương trình thực tế có sự tham gia của diễn viên nhí L.T.P. nói trên, Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A đã bày tỏ quan điểm của mình: cha mẹ có thể từ chối một lời mời, cắt bỏ một vai diễn để con có thể có một ngày nghỉ vui vẻ, không phải bận tâm về công việc. Mặc dù các con hiểu chuyện, có trách nhiệm, nhưng dù gì các con chỉ là trẻ nhỏ, không thể đẩy những gánh nặng, trách nhiệm gia đình lên vai con trẻ được.
Đó không chỉ là mong muốn chính đáng mà còn là quyền của trẻ được pháp luật bảo vệ. Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em có quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, trẻ em có quyền vui chơi, giải trí. Ngoài ra, trẻ còn có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động.
Bảo vệ, bảo đảm các quyền của trẻ là trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng và gia đình. Trong cuộc sống, đôi khi người nhà của trẻ vì khó khăn hoặc vì nhiều lý do khác đã “bỏ quên” các quyền của trẻ. Chính vì thế, rất cần các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về các quyền cơ bản của trẻ em; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại các địa phương... để trẻ đều được thụ hưởng những quyền chính đáng của trẻ em.