TAND tỉnh Hà Giang sẽ mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án “mua dâm người chưa thành niên” và “môi giới mại dâm” đối với nguyên Hiệu trưởng Sầm Đức Xương và hai học trò cũ là Nguyễn Thuý Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thuý vào ngày 10/3/2011. Việc xét xử sẽ được tiến hành kín nhưng lần này, bị cáo Thuý và Hằng không có người giám hộ và LS bào chữa.
Các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm cách đây hơn 1 năm. |
Tại phiên toà sơ thẩm lần trước vào tháng 11/2009, Sầm Đức Xương đã bị HĐXX- TAND huyện Vị Xuyên tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù về tội "mua dâm người chưa thành niên". Còn Hằng bị phạt 6 năm tù, Thuý bị phạt 5 năm tù về tội "môi giới mại dâm". Tuy nhiên, bản án sau đó đã bị TAND tỉnh Hà Giang tuyên huỷ để tiến hành điều tra bổ sung do có một số nội dung còn mâu thuẫn và có thêm lời khai mới của các bị cáo.
Xác định vụ án này là phức tạp, lời khai liên quan đến nhiều quan chức trong tỉnh nên hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Hà Giang tiến hành điều tra. Chính vì vậy, việc xét xử sơ thẩm lần 2 này sẽ do TAND tỉnh Hà Giang thực hiện (chứ không phải do TAND huyện Vị Xuyên xét xử như trước đây)
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thơm (mẹ bị cáo Thuý) cho hay: “Tôi cũng chỉ biết con tôi bị đưa ra vào xử ngày 10/3 tới đây từ thông tin của một số người chứ không nhận được giấy triệu tập của Toà án. Có thể do bây giờ, con tôi đã đủ 18 tuổi nên không bắt buộc phải có người giám hộ tham gia phiên toà như trước đây”. Phiên toà xử kín nên rất có thể bà Thơm cũng sẽ không được vào phòng xử án để theo dõi phiên toà xử con gái.
Cũng do đã trên 18 tuổi nên tại phiên toà tới đây, bị cáo Hằng và Thuý không bắt buộc phải có luật sư bào chữa. Còn LS Trần Đình Triển (người bào chữa cho bị cáo Thuý tại phiên toà phúc thẩm) đã được TAND tỉnh Hà Giang thông báo: “Bị cáo Thuý đã không đồng ý để LS bào chữa và cũng không mời người bào chữa nào khác”.
Thông tin này đã gây bất ngờ cho ngay cả bà Thơm: “Chắc chắn con tôi vẫn có nguyện vọng muốn LS Triển bào chữa. Không hiểu vì lý do gì mà con tôi lại có ý kiến từ chối LS như vậy”.
Việc từ chối LS trên được thực hiện thông qua cán bộ toà án (giao hồ sơ mời LS cho Thuý tại trại tạm giam) chứ LS Triển đã không được gặp trực tiếp bị cáo Thuý để trao đổi. Trong vụ án này, bị cáo Xương cũng được người nhà mời LS Dương Trí Tuệ (Đoàn LS Vĩnh Phúc) bào chữa. Tuy nhiên, khác hẳn với LS Triển, LS Tuệ đã được Toà cho gặp trực tiếp thân chủ để lấy ý kiến về việc đồng ý hay từ chối LS. Không hiểu sao, đối với bị cáo Thuý, Toà lại “nhiệt tình” vào trại giam lấy ý kiến từ chối LS của bị cáo, gây nghi ngờ về tính khách quan trong việc này?.
Luật sư Triển cho biết: “Tôi sẽ có văn bản khiếu nại về việc không được TAND tỉnh Hà Giang cấp Giấy chứng nhận bào chữa và sẽ trực tiếp đến TAND tỉnh Hà Giang làm việc về vấn đề này”. Còn LS Tuệ có quan điểm: “Việc truy tố bị cáo Xương hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào lời khai của của những người được coi là có quan hệ tình dục với bị cáo.
Nhưng giả sử có quan hệ tình dục thì đó có phải là "mua - bán" hay không lại là một chuyện khác. Tại sao bị cáo Xương bị bắt giam, truy tố trong khi cùng 1 dạng chứng cứ, lời khai như nhau về cái gọi là "mua dâm" này thì 14 nhân vật khác vẫn vô can?”.
Việc so sánh về chứng cứ và mức độ xử lý của bị cáo Xương với 14 nhân vật bị Hằng, Thuý tố có hành vi “lên gường” với các nữ sinh chắc chắn sẽ được LS Tuệ đề cập trong phiên toà tới đây.
Khoa Lâm