Chờ mong…
Được đề cập từ rất sớm và hiếm có dịch vụ nào được Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo sát sao như với Mobile Money. Tại Hội thảo “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện” hồi giữa năm 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã kỳ vọng khi cho rằng, nếu trong năm 2019, Việt Nam cấp phép thử nghiệm Mobile Money thì sẽ là nước thứ 91 có nền tảng thanh toán Mobile Money.
Tại buổi họp giao ban Bộ TT&TT giữa tháng 2/2020, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Bộ đã kiến nghị mốc thời gian thí điểm Mobile Money là trong quý I/2020.
Tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Sau đó, tại Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ cũng đề cập đến việc cấp phép thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money.
Khi đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng dịch vụ Mobile Money mặc dù đã chậm, song cố gắng trong tháng 6/2020, NHNN và Bộ TT&TT sẽ cấp phép cho các DN viễn thông.
Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2020 các DN viễn thông không còn kiên nhẫn, đã có văn bản hối thúc Bộ TT&TT có ý kiến và tác động tới NHNN sớm cho phép DN triển khai dịch vụ Mobile Money…
Có thể hiểu được sự thận trọng của cơ quan soạn thảo về một dịch vụ rất mới đối với Việt Nam, song Mobile Money là xu thế tất yếu và sự ngóng trông của các DN cũng như người dân là điều dễ hiểu. Chính vì thế, việc Thủ tướng ký ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ là thông tin được mong chờ.
Có thể triển khai ngay từ đầu quý II
Không chỉ chuẩn bị trước hạ tầng và nguồn lực đáp ứng toàn diện các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel.
Ra mắt từ năm 2018, hệ sinh thái tài chính số ViettelPay có hơn 100 tính năng, tiện ích, là hạ tầng để Viettel triển khai Tiền di động. Hiện ViettelPay đang phục vụ hơn 10 triệu khách hàng, được đảm bảo bởi các chứng nhận công nghệ, tiêu chuẩn bảo mật quốc tế.
Theo ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Digital Viettel), để triển khai Tiền di động, Viettel cũng áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất - với lợi thế sở hữu các đơn vị an ninh mạng, không gian mạng đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ. Công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng. Trong quá trình triển khai ViettelPay, Viettel đã xây dựng đội ngũ quản trị rủi ro theo dõi 24/24h về chất lượng sản phẩm, đảm bảo khách hàng sẽ không gặp rủi ro tài chính khi giao dịch.
Sau 3 năm triển khai, hiện ViettelPay đã phủ rộng số lượng điểm giao dịch chấp nhận thanh toán bằng ứng dụng này trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Viettel cũng đã chuẩn bị hệ thống chăm sóc khách hàng 24/7 để tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc của người dùng ngay khi triển khai Tiền di động.
“Với sứ mệnh chủ lực tiên phong kiến tạo xã hội số, Viettel sẽ là DN đi đầu trong công cuộc phổ cập tài chính số đến người dân Việt Nam thông qua Tiền đi động. Việc triển khai Tiền di động sẽ dễ dàng được sử dụng tại cả thành thị và nông thôn, việc thanh toán, chuyển tiền, đặc biệt các giao dịch tiền lẻ hàng ngày sẽ trở nên dễ dàng với người dân hơn bao giờ hết” - ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Digital Viettel chia sẻ.
Các nhà mạng khác như VinaPhone, MobiFone cũng đã có sự chuẩn bị cho việc triển khai Mobile Money. Mới đây nhất, MobiFone đã trở thành nhà mạng thứ ba được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Giấy phép này là một trong những điều kiện để các nhà mạng tham gia thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money.
Theo ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, MobiFone sẽ rà soát lại đề án xin cấp phép thử nghiệm Mobile Money để căn chỉnh, bổ sung những nội dung, phương án cho phù hợp nhất, tốt nhất, sau đó sẽ gửi hồ sơ xin cấp phép thử nghiệm lên NHNN. DN này dự kiến khoảng trong quý 2/2021 sẽ chính thức đưa dịch vụ Mobile Money đến tay người dùng…
Theo đại diện Viettel, 2 năm tới sẽ là khoảng thời gian hết sức quan trọng để Tiền di động thể hiện giá trị trong công cuộc hỗ trợ đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. “Đồng hành cùng chủ trương và định hướng chung của Nhà nước, Viettel cam kết sẽ đưa Tiền di động tới gần với người dân trong thời gian nhanh nhất, với quy mô rộng nhất có thể, đảm bảo để ai cũng có thể tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam…” -Đại diện Viettel khẳng định.
Theo Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, DN thực hiện thí điểm phải có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông; DN xây dựng hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money gửi NHNN xem xét, thẩm định; Thời gian thực hiện thí điểm là 2 năm kể từ thời điểm DN đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile- Money.