Là tỉnh có nền công nghiệp phát triển nhanh, mạnh và có nhiều làng nghề truyền thống từ lâu đời, Vĩnh Phúc có tiềm năng phát triển kinh tế từ lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, với các sản phẩm chủ lực như: Đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu và nhiều sản phẩm khác…
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển kinh tế theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, các ngành đặc biệt là ngành Công thương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực đầu tư hỗ trợ về chính sách cũng như về vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo bước đột phá nhằm khuyến khích kịp thời và huy động được các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến các sản phẩm thế mạnh của địa phương, từ đó nhằm cung cấp các mặt hàng có chất lượng cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có cơ hội tham gia các hội chợ triển lãm, giúp khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường. |
Năm 2015, tỉnh bắt đầu triển khai chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với định kỳ 2 năm 1 lần. Qua 5 đợt bình chọn, đến nay, toàn tỉnh có 77 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn, trong đó có 39 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Chương trình bình chọn sản phẩm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh không chỉ là sân chơi bổ ích nhằm tôn vinh, nâng tầm uy tín, thương hiệu các sản phẩm chất lượng, giá trị sử dụng cao mà còn góp phần khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Hơn nữa, đây còn là cầu nối, giúp nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh lọt vào “top” sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc.
Riêng năm 2024, Vĩnh Phúc có 6/126 sản phẩm, bộ sản phẩm được Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024. Nhìn chung, các sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực đều là những sản phẩm có giá trị sử dụng cao, phù hợp với thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng; có sự kết hợp khéo léo giữa thủ công truyền thống với công nghệ hiện đại, khẳng định ưu thế về mẫu mã, đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, một số sản phẩm đã biết tận dụng nguyên liệu sẵn có, thể hiện được bản sắc văn hoá, nét đặc trưng của địa phương. Sau khi được bình chọn, các sản phẩm đều có cơ hội tham gia các hội chợ triển lãm, được khách hàng trong và ngoài nước chủ động tiếp cận, giúp doanh nghiệp khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất.
Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, trong bối cảnh kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, thiếu vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp. Chính vì vậy, hoạt động xúc tiến thương mại được coi là giải pháp cần thiết nhằm giúp các doanh nghiệp, đơn vị phục hồi mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo đó, Trung tâm Phát triển Công Thương - Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội chợ thương mại như: Hội chợ hoa Xuân Tết Giáp Thìn 2024; Hội chợ thương mại, du lịch lễ hội Tây Thiên - Tam Đảo, 2 phiên chợ đưa hàng Việt về các huyện miền núi Sông Lô, Lập Thạch. Cùng với đó là 1 Đoàn công tác khảo sát thị trường và xúc tiến thương mại năm 2024 tại 3 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Cà Mau.
Từ các chính sách thúc đẩy phát triển các sản phẩm CNNT giúp khu vực kinh tế nông thôn chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực cho chủ thể, nhất là khu vực Hợp tác xã, tổ hợp tác trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản, đặc sản đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá và phát triển thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là một tiêu chí quan trọng để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thực tiễn triển khai hơn 10 năm qua có thể khẳng định, chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, phát huy được tối đa các nguồn lực. Trong quá trình thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm CNNT, trong đó trọng tâm vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn. Để thực hiện các giải pháp đó, tỉnh chú trọng thực hiện quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, khôi phục làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới và hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng lao động. Từ đó, các địa phương cùng ngành chức năng lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ các cơ sở mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và tăng doanh thu. Đặc biệt, thông qua việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp đã mở ra cơ hội phát hiện và tôn vinh nhiều sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng cao và có tiềm năng phát triển sản xuất.
Phát triển các sản phẩm CNNT vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện và cũng là kết quả của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở nông thôn như giảm nghèo, việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Việc tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm CNNT cũng là giải pháp quan trọng để giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí về Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ổn định, bền vững trong tương lai.