Sai phạm tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng): Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra

Phối cảnh dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
Phối cảnh dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
(PLVN) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết luận thanh tra (KLTT) việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng.

Sai phạm trong xác định tiền thuê đất  

Theo KLTT, năm 2005, UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu đô thị - sân golf Đa Phước. Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án có tổng diện tích 240 ha, trong đó cho Cty TNHH Daewon Cantavil thuê 181,53 ha thực hiện dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, chủ đầu tư chịu trách nhiệm san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, bàn giao cho UBND TP Đà Nẵng quản lý khoảng 64 ha, gồm: 29 ha được UBND TP Đà Nẵng giao đất cho Cty CP Xây dựng 79 để góp vốn liên doanh với Daewon Cantavil xây dựng nhà để bán, khoảng 25 ha xây dựng khu trung tâm văn hóa TP, 10 ha xây dựng công viên phần mềm. 

Tại thời điểm thanh tra, Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước triển khai 2 dự án: Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước diện tích 181 ha (Dự án 181 ha) và dự án Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình (Dự án 29 ha, do Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước thực hiện). 

Trong đó, với Dự án 181, từ 2006 đến trước 2015, tổ chức thực hiện dự án là Daewon Cantavil, vốn điều lệ hơn 666 tỷ đồng, năm 2015 tăng lên hơn 672 tỷ, số vốn tăng thêm 6,7 tỷ do  Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) góp. 

Ngày 3/10/2016, Daewon chuyển nhượng 99% vốn góp của mình tại Daewon Cantavil cho Xây dựng 79. Sau khi chuyển nhượng, Cty TNHH Daewon Cantavil đổi tên là Cty THNH The Sunrise Bay. 

Theo KLTT, việc triển khai thực hiện dự án đã có nhiều vi phạm. UBND Đà Nẵng và các ban, ngành ký thỏa thuận với Daewon Cantavil thời điểm 2006 có một số nội dung không đúng quy định của pháp luật: Xác định tiền thuê đất và mặt nước (Dự án 181 ha chỉ phải nộp 10 triệu USD trong 50 năm cho 145 ha đất) không có cơ sở, không bị điều chỉnh trong suốt thời gian hoạt động của dự án... 

Mặt khác, cho phép Daewon Cantavil trong trường hợp bán biệt thự, nhà liền kề hoặc căn hộ chung cư cho các đối tượng được phép mua, không phải trả thêm các khoản chi phí liên quan đến việc sử dụng đất, là vi phạm quy định về đất đai. 

Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng không giao Sở KH&ĐT và các sở, ngành thẩm quyền mà lại giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thẩm tra hai dự án đầu tư trên là vi phạm quy định pháp luật về chứng nhận đầu tư. 

UBND Đà Nẵng phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 và các lần điều chỉnh của Dự án 181 ha không lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan theo nhiệm vụ được giao là không đúng quy định tại Khoản 1, điều 32 Luật Xây dựng 

Hai dự án đều thay đổi nhà đầu tư nhưng đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư chưa làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, vi phạm Khoản 1 điều 33 Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

Bỏ qua ĐTM, dấu hiệu trốn thuế

Theo TTCP, đến thời điểm thanh tra, tại Dự án 29 ha, chủ đầu tư không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); mặt khác dự án thuộc trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng nhưng vẫn chưa được cấp.

Dự án 181 ha được điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 nhiều lần, trong đó có những lần điều chỉnh đã làm thay đổi về mục tiêu, cơ cấu sử dụng đất, có tác động đến môi trường nhưng Daewon Cantavil không lập báo cáo ĐTM bổ sung, UBND TP Đà Nẵng không yêu cầu chủ đầu tư lập báo cáo ĐTM bổ sung; là không đúng quy định Luật Bảo vệ Môi trường.

Theo đơn giá đất năm 2011 do UBND TP Đà Nẵng xác định tại Văn bản 16/UBND-STC ngày 3/1/2018 thì đơn giá bình quân khu vực Dự án 29 ha là hơn 5,1 triệu đồng/m2, tổng số tiền sử dụng đất tính cho toàn bộ dự án tại thời điểm giao đất năm 2011 là 1.497 tỉ đồng. Trong khi Xây dựng 79 chỉ phải nộp 87 tỷ, thấp hơn so với quy định là 1410 tỷ.

Tại Dự án 29 ha, Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Xây dựng 79) ký hợp đồng chuyển nhượng 100% vốn (chuyển nhượng dự án) tại Cty TNHH phát triển nhà Đa Phước cho ông Võ Ngọc Châu.

Tại thời điểm chuyển nhượng, ông Châu là thành viên HĐQT, Phó TGĐ Cty, sau khi chuyển nhượng ông Châu là Chủ tịch Cty TNHH MTV phát triển nhà Đa Phước. Theo quy định pháp luật, Xây dựng 79 phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 573,369 tỷ, thực tế Xây dựng 79 chỉ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế. 

TTCP cho biết đã chuyển những thông tin tài liệu sai phạm tại hai dự án này đến Bộ Công an để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền đối với những vi phạm, khuyết điểm. Rà soát các quyết định hành chính do UBND TP Đà Nẵng ban hành chưa đúng cần bổ sung, sửa đổi; các quyết định ban hành trái thẩm quyền phải huỷ bỏ; tổ chức rà soát, yêu cầu các chủ đầu tư khi thực hiện dự án phải đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tài chính và các quy định pháp luật có liên quan. 

Đồng thời, thực hiện các thủ tục, quy trình thu hồi Dự án 181 ha đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; UBND TP Đà Nẵng cần lưu ý tạo điều kiện để sớm triển khai việc khai thác, sử dụng quỹ đất này theo đúng quy định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tránh xảy ra khiếu kiện sau này.

Theo KLTT, tại Dự án 181ha, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) và Lê Văn Sáu là một người, do đó hợp đồng (không số) ngày 29/6/2015 ký giữa Xây dựng Bắc Nam 79 (đại diện pháp luật là Phan Văn Anh Vũ) với Lê Văn Sáu không đủ điều kiện để xác lập giao dịch giữa các bên theo quy định tại Khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự 2005.

Liên quan đến việc thành lập, huy động góp vốn, chuyển nhượng vốn góp, hoạt động kinh doanh của các tổ chức kinh tế, chủ đầu tư thực hiện hai dự án này, TTCP yêu cầu UBND TP Đà Nẵng trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, theo thẩm quyền, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì phải chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định.

Đọc thêm

Truy bắt đối tượng cướp taxi trên phố Hà Nội trong đêm

Đối tượng Hoàng Khương Duy.
(PLVN) - Khi tài xế taxi tông cửa ra khỏi xe và truy hô, Duy đã lái ô tô bỏ chạy, va chạm với một số phương tiện khác khiến người trên các xe này ngã xuống đường... Nhận tin báo, Công an quận Đống Đa nhanh chóng phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội truy bắt đối tượng trong đêm.

Chủ tịch tập đoàn Thuận An bị bắt

Bị can Nguyễn Duy Hưng (trái) và Trần Quang Anh (Ảnh: Bộ Công an).
(PLVN) - Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An vừa bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Hoãn phiên xử đường dây tội phạm Jibian

Các bị cáo tại tòa.
(PLVN) - Sáng nay, TAND TP Hà Nội đưa 21 bị cáo ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” thuộc đường dây tội phạm Jibian. Tuy nhiên, phiên tòa đã phải hoãn vì bị cáo đi cấp cứu.

Cảnh báo về đường dây tội phạm xuyên quốc gia Jibian

Hình minh họa.
(PLVN) - Từ lời trình báo của người phụ nữ bị chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng, công an đã bắt được nhiều “mắt xích” trong Jibian - một tổ chức tội phạm hoạt động về lĩnh vực rửa tiền cho các app đánh bạc hoặc các đối tượng lừa đảo như một cổng thanh toán trung gian.

Nguyên Trưởng Công an TP Phú Quốc bị bắt tạm giam

Bị can Lê Văn Mót - Nguyên Trưởng Công an TP Phú Quốc. Ảnh: Khánh Thùy

(PLVN) - Thông tin từ Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, khoảng 9h30p ngày 13/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Văn Mót (58 tuổi), nguyên Trưởng Công an TP Phú Quốc do có hành vi vi phạm pháp luật.

Trộm hơn 250 triệu đồng rồi mang gửi ngân hàng

Công an làm việc với Phạm Văn Hiếu.
(PLVN) - Ngày 13/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành bắt tạm giam đối với Phạm Văn Hiếu (SN 1996, trú tại phường Thuận Hòa, thành phố Huế) về hành vi Trộm cắp tài sản.