Gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam đã sập bẫy lừa đảo thương mại qua Internet vì sốt ruột muốn nhanh ký được hợp đồng.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ đối tác quốc tế trước khi giao thương. Ảnh minh họa của Trần Việt |
Rao mua 350 ngàn tấn xi măng để lừa tiền phí
Mới đây, Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á - Nam Á (Bộ Công Thương) đã công bố một trường hợp mà cơ quan này cho là điển hình trong lừa đảo thương mại khi giao dịch qua mạng. Sự việc được phát hiện khi một công ty tại Hà Nội nhờ Thương vụ Việt Nam tại Nigeria thẩm tra đối tác là Tổ chức Niger Delta Development Commission (NDDC).
Thư ký của tổ chức này đưa ra thông tin về nhu cầu mua 350.000 tấn xi măng trong vòng 12 tháng để phục vụ việc xây cầu đường. Về thanh toán, NDDC đề nghị công ty Việt Nam cử đại diện sang Trung tâm thanh toán của NDDC đặt tại nước Cộng hòa Ghana để ký kết và mở tài khoản trung gian tại Ngân hàng Barclays. Họ sẽ trả trước 50% tổng giá trị đơn hàng (11 triệu USD) vào tài khoản trung gian này. Ngay sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của công ty Việt Nam thì tiền hoa hồng 800.000 USD cho người thư ký và các cộng sự khác của NDDC sẽ phải chuyển vào tài khoản cá nhân của người đó.
Quá trình ký kết hợp đồng, mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản trung gian sẽ mất khoảng 2 ngày. Thời gian chuyển tiền về tài khoản tại Việt Nam mất khoảng 3 ngày tính từ ngày chuyển. Khi công ty Việt Nam cho biết, tiền chuyển về tài khoản của công ty ở Việt Nam có thể sẽ rất phức tạp thì NDDC đề xuất phương án, để chuyển tiền trực tiếp về ngân hàng tại Việt Nam và giảm thuế, công ty Việt Nam phải đăng ký với Phòng Công nghiệp và Thương mại Ghana (phí đăng ký 12.000 USD). Họ cũng đã gửi Cable Visa để giám đốc công ty Việt Nam sang Ghana làm việc trực tiếp.
Qua xác minh của Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nigeria, thì biết, NDDC không có chức năng mua bán hàng hóa. Theo quy định của pháp luật Nigeria, việc nhập khẩu xi măng vào Nigeria phải có giấy phép nhập khẩu đặc biệt do đích thân Tổng thống nước này ký, mọi hàng hóa trước khi được nhập khẩu vào Nigeria phải có Giấy chứng nhận hợp chuẩn (SONCAP). Ngoài ra, ở Nigeria không có quy định thanh toán nào như NDDC đề xuất.
Vì thế, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria kết luận, đây là một vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt các loại phí, trước tiên là 12.000 USD phí đăng ký tại Phòng Công nghiệp và Thương mại Ghana.
Thận trọng với bán hàng trả trước
Một số phương thức lừa đảo trong giao thương quốc tế cũng được các hiệp hội ngành hàng Việt Nam khuyến cáo với các thành viên, bởi thủ đoạn lừa đảo thương mại ngày càng tinh vi. Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) khuyến nghị DN thận trọng với phương thức bán hàng trả trước. Vụ việc được nêu ra liên quan tới các đối tác ở Chile là ví dụ.
Công ty Thương mại Transmex Pte Ltd, tại Singapore, đã gửi trước 11.000 USD tới Công ty Sociedad Comercial Seafood Trading Chile Ltd. để nhập khẩu một lô hàng thủy sản, nhưng sau đó đã không nhận được hàng. Công ty Breakers Fish Company Ltd ở Canada mua một lô cá hồi của South Sea Company Ltd. có địa chỉ ở Santiago, Chile, đã trả trước 75.000 đô-la Canada, nhưng 6 tháng trôi qua, công ty này không nhận được hàng.
Có DN bị lừa đã đệ đơn kiện kẻ lừa đảo lên tòa án nước sở tại, nhưng dù đã có kết luận của tòa án thì vẫn không được kẻ lừa đảo hoàn trả tiền. Trái lại, có những vụ lừa đảo mà địa chỉ và tên công ty khác nhau nhưng thực ra tác giả thì chỉ là một người hay một nhóm người. Những đối tượng này liên lạc với khách hàng tiềm năng, gửi thông tin về DN và giấy tờ đảm bảo về hàng hóa để đánh vào lòng tin khách hàng, như cam kết hàng sẽ được gửi sau khi khách hàng trả trước 1/3 giá trị lô hàng, hóa đơn thanh tra thủy sản, vận đơn hàng không xác nhận đã chuyển lô hàng…
“Khi xác lập giao dịch với một đối tác nước ngoài mà DN không biết rõ, DN Việt Nam nên liên hệ với cơ quan thương vụ nước sở tại hoặc cơ quan quản lý chuyên trách trong nước để thẩm tra thông tin đối tác” – một quan chức Bộ Công Thương khuyến cáo.
Tuấn An