Để đảm bảo quyền rút tố cáo của người tố cáo được thực hiện chặt chẽ, thống nhất, làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người giải quyết tố cáo xem xét, giải quyết tố cáo Điều 4 dự thảo Nghị định quy định việc rút tố cáo theo quy định tại Điều 33 của Luật Tố cáo.
Theo Điều 33 Luật Tố cáo, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
Dự thảo Nghị định nêu rõ, văn bản rút tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ và tên, địa chỉ của người rút tố cáo, nội dung tố cáo được rút, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người rút tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trực tiếp rút tố cáo thì người tiếp nhận lập biên bản ghi lại việc rút tố cáo và người rút tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản. Văn bản rút tố cáo và biên bản ghi nhận việc rút tố cáo được thực hiện theo các mẫu ban hành kèm theo Nghị định này.
Luật Tố cáo quy định, trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật tố cáo, còn trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 của Luật này (người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo, trừ trường hợp nhận thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc rút tố cáo do bị đe dọa, hoặc lợi dụng việc tố cáo để vu khống gây thiệt hại cho người bị tố cáo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật Tố cáo).
Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo thì tố cáo vẫn tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo. Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn, trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người rút tố cáo thì từng người rút tố cáo thực hiện việc rút tố cáo theo quy định về trình tự xử lý rút tố cáo đã hướng dẫn trong Điều này. Trường hợp tất cả những người tố cáo rút tố cáo thì người tiếp nhận hướng dẫn người đại diện rút tố cáo bằng văn bản hoặc lập biên bản ghi lại việc rút tố cáo có chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của những người tố cáo.
Khoản 3 Điều 33 Luật Tố cáo quy định, trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết. Dự thảo Nghị định hướng dẫn rõ thêm để thực hiện quy định này như sau: Người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo, xử lý người đe dọa, mua chuộc người tố cáo hoặc người lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo.
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 33 Luật Tố cáo, người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.