Ảnh minh họa |
Trên cơ sở Nghị quyết 52 về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Tư pháp được Chính phủ ban hành, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định thuộc lĩnh vực Hành chính tư pháp, trong đó có sửa đổi nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, một nội dung liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày của người dân.
Chỉ phải nộp một bộ hồ sơ, có thể không cần chứng thực
Hiện nay, Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định “cứng” việc nộp hồ sơ làm thủ tục đăng ký hộ tịch là phải có các bản sao được chứng thực hợp lệ. Thực tế, đây là nguyên tắc cần phải được tuân thủ bởi nếu giấy tờ không có chứng thực thì không có giá trị về mặt pháp lý. Tuy nhiên, xảy ra trường hợp là khi nhận hồ sơ nhiều nơi vẫn làm cả hai thao tác. Thứ nhất, yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu và thứ hai là nhận hồ sơ nhưng phải có dấu chứng thực.
Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định nêu trên đã quy định rất linh hoạt theo hướng trường hợp bản sao giấy tờ không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu. Các trường hợp yêu cầu đăng ký hộ tịch được gửi qua hệ thống bưu chính cũng được phép áp dụng quy định nói trên. Đây được coi là một thủ tục thông thoáng, rất thuận tiện cho người dân trong việc làm thủ tục đăng ký các việc về hộ tịch.
Để giảm bớt phiền hà cho người dân, dự thảo Nghị định đã quy định rõ: “các giấy tờ phải nộp khi thực hiện các việc hộ tịch được lập thành 01 bộ hồ sơ. Đồng thời để thống nhất cách hiểu về thời hạn giải quyết các việc về hộ tịch, dự thảo Nghị định quy định: “thời hạn được tính theo ngày làm việc”. Riêng đối với những việc không quy định thời hạn giải quyết thì dự thảo Nghị định quy định giải quyết ngay trong ngày; nếu nhận hồ sơ sau 15h thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.
Một số trường hợp được cam đoan
Mặc dù Nghị định 158/CP được đánh giá là một “bước tiến dài” trong đăng ký và quản lý hộ tịch, trong đó có cả những vấn đề về thủ tục, tuy nhiên, quá trình thực thi cho thấy, có rất nhiều trường hợp Nghị định đã quy định mở theo hướng thông thoáng hơn nhưng công dân vẫn không thể đáp ứng do những điều kiện cả về chủ quan và khách quan. Chính vì thế, có nhiều yêu cầu chính đang của họ trở nên bế tắc do không đáp ứng được những yêu cầu luật định. Nghị định sửa đổi bổ sung đã có nhiều quy định tháo gỡ vấn đề này trong đó có hình thức cho đương sự tự cam đoan.
Đơn cử, trong thủ tục đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận con nuôi, Nghị định hiện hành không quy định rõ phải xuất trình những loại giấy tờ nào, nếu không còn bản sao thì hướng xử lý ra sao? Dự thảo Nghị định mới sửa đổi bổ sung theo hướng: Người có yêu cầu đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây (nếu có); trong trường hợp không có bản sao giấy tờ hộ tịch, thì đương sự phải tự cam đoan về việc đã đăng ký, nhưng sổ hộ tịch không còn lưu được và chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan
Riêng đối với việc đăng ký lại kết hôn và đăng ký lại việc tử, thì bản cam đoan phải có xác nhận của 02 người làm chứng biết rõ về việc đã đăng ký và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về chữ ký của hai người làm chứng.
Theo dự thảo Nghị định, loại trừ những việc hộ tịch được Nghị định quy định giải quyết trong ngày, thì hầu hết các loại việc hộ tịch có quy định thời hạn giải quyết từ 5 ngày trở lên, nay đều được dự thảo Nghị định điều chỉnh theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết, tối thiểu là rút ngắn được 2 ngày và tối đa là 15 ngày. Các việc dự kiến được rút ngắn đó là Đăng ký kết hôn trong nước; Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; Đăng ký nhận cha, mẹ, con; Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; Thay đổi, cải chính hộ tịch… |
Việt Hòa