Ngày 9/4, truyền thông Ai Cập cho biết đã xảy ra một vụ đánh bom liều chết bên trong nhà thờ Cơ đốc giáo Mar Girgis ở thành phố Tanta, phía Bắc thủ đô Cairo, khiến ít nhất 27 người thiệt mạng và gần 80 người khác bị thương. Chỉ vài giờ sau vụ đánh bom liều chết này, một vụ đánh bom khác cũng đã xảy ra tại nhà thờ Thánh Mark ở thành phố duyên hải Alexandria, khiến 17 người thiệt mạng, trong đó có 3 cảnh sát và 48 người khác bị thương.
Đẫm máu
Nhà chức trách Ai Cập cho biết số người thiệt mạng trong hai vụ đánh bom vẫn có thể tiếp tục tăng do có nhiều người bị thương nặng. Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng thừa nhận đã thực hiện các vụ tấn công đẫm máu trên.
Trong khi đó, Báo Al-Ahram cho biết các lực lượng an ninh Ai Cập cũng đã phát hiện và vô hiệu hóa hai thiết bị nổ tại nhà thờ Hồi giáo Sidi Abdel Rahim ở thành phố Tanta.
Ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố nhằm vào hai nhà thờ Cơ đốc giáo tại thành phố Tanta và Alexandria gây thương vong lớn, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã triệu tập một cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia Quốc gia (NDC) để ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về an ninh.
Tổng thống El-Sisi đồng thời ra lệnh triển khai quân đội để bảo vệ các cơ sở trọng yếu, sau khi IS thực hiện các vụ đánh bom đẫm máu hai nhà thờ Cơ đốc giáo trên. Tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống nêu rõ ông El-Sisi đã yêu cầu quân đội triển khai lực lượng tới bảo vệ những cơ sở hạ tầng quan trọng tại tất cả các tỉnh trên toàn quốc.
Tổng thống Ai Cập El-Sisi cũng ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong vòng 3 tháng. Phát biểu trên truyền hình tối 9/4, ông El-Sisi thông báo tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực ngay khi các thủ tục về pháp lý và hiến pháp được hoàn tất. Theo ông El-Sisi, động thái này là nhằm bảo vệ đất nước và ngăn chặn các hành động tấn công khủng bố.
Cộng đồng quốc tế lên án
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã lên án các vụ tấn công nhằm vào hai nhà thờ Cơ Đốc giáo tại miền Bắc Ai Cập.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (TTK LHQ) cho biết, TTK LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ sự thương cảm sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong hai vụ tấn công trên, tới chính phủ và nhân dân Ai Cập. TTK LHQ hy vọng những người bị thương nhanh chóng hồi phục và sớm tìm ra đưa những kẻ gây ra hành động khủng bố kinh hoàng này ra trước công lý.
Giáo hoàng Francis đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hai vụ đánh bom trên, xảy ra chỉ vài tuần trước chuyến thăm chính thức của Giáo hoàng tới Ai Cập. Giáo hoàng gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Giáo chủ Giáo hội Chính thống Coptic Ai Cập Tawadros II và tất cả nhân dân Ai Cập, đồng thời cầu nguyện cho những nạn nhân của hai vụ tấn công nói trên và cầu mong thế giới thoát khỏi khủng bố, bạo lực.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã bày tỏ tình đoàn kết với Ai Cập sau hai vụ đánh bom thảm khốc tại nhà thờ Cơ Đốc giáo. Trong một tuyên bố, Tổng thống Hollande cho rằng Ai Cập một lần nữa bị tấn công bởi những kẻ khủng bố muốn hủy hoại sự thống nhất và sự đa dạng của quốc gia Bắc Phi này. Nhà lãnh đạo Pháp cam kết tăng cường hợp tác với giới chức Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.
Maroc cũng lên án mạnh mẽ các vụ tấn công trên. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Maroc cho biết chủ nghĩa khủng bố một lần nữa lộ bộ mặt tội ác và bạo tàn mà tất cả các tôn giáo đều lên án. Maroc gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và người dân Ai Cập, đồng thời khẳng định tình đoàn kết với Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thủ tướng Liban Saad El-Hariri lên án cuộc tấn công, bày tỏ sự chia buồn tới Ai Cập cùng các nạn nhân và coi đây là “một cuộc tấn công vào các giá trị của tất cả các tôn giáo”. Trong khi đó, người phát ngôn của Chính phủ Jordan, Mohamed El-Momeny cho rằng đây là “cuộc tấn công khủng bố” nhằm phá hoại sự ổn định và gây xung đột sắc tộc ở Ai Cập. Jordan khẳng định ủng hộ Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, các Bộ Ngoại giao của Qatar và Bahrain đã ra tuyên bố lên án hai vụ tấn công nói trên, bày tỏ sự chia buồn đối với các nạn nhân và khẳng định cam kết sát cánh với Ai Cập chống lại bạo lực và khủng bố.
Ai Cập rơi vào tình trạng bất ổn kể từ cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào ngày 25/1/2011. Chiếm khoảng 10% dân số Ai Cập, người Cơ đốc giáo cùng sống chung hòa bình trong hàng thế kỷ qua với người Hồi giáo chiếm đa số tại nước này. Tuy nhiên, cộng đồng người Cơ đốc giáo thường xuyên là mục tiêu tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Trong những năm qua tại Ai Cập đã xảy ra nhiều vụ đánh bom nhằm vào các nhà thờ Cơ đốc giáo.
Theo thống kê của cơ quan an ninh Ai Cập, riêng trong năm 2011 đã xảy ra 11 vụ đánh bom liều chết do các tổ chức khủng bố quốc tế tiến hành nhằm vào các nhà thờ Cơ đốc giáo trên khắp đất nước Kim Tự tháp. Tháng 12/2016, một vụ đánh bom do IS tiến hành đã xảy ra ở nhà thờ lớn nhất của người Cơ đốc giáo ở Ai Cập, khiến 25 người thiệt mạng và 49 người bị thương, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. IS cũng đe dọa sẽ tiến hành thêm các cuộc tấn công nhằm vào người Cơ đốc giáo.
Hai vụ đánh bom liên tiếp nhằm vào hai nhà thờ Cơ Đốc giáo tại Ai Cập gây thương vong lớn đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bất ổn an ninh tại nước này.