Giận chồng, người vợ làm giấy khai sinh cho con mang họ mẹ. Đến khi người chồng qua đời thì bi kịch tranh chấp đất giữa hai bác cháu ruột xảy ra quyết liệt.
Vụ tranh chấp đất đai xảy ra tại Long Giang, Thị xã Phước Long, Bình Phước.
Năm 1989, bà Kiều Thị Thanh Hoa (SN 1968, thường trú thôn Nhơn Hòa I, xã Sơn Giang) kết hôn với người thanh niên cùng xóm là ông Phạm Văn Thành.
Sau khi cưới nhau không lâu, chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” thường xuyên xảy ra giữa 2 vợ chồng. Một phần vì nghèo, phần do bản tính gia trưởng của chồng khiến hạnh phúc gia đình ngày càng rạn vỡ.
Vì giận chồng nên năm 1990, chị Hoa lấy họ mình làm họ trong giấy khai sinh cho con trai đầu lòng là Kiều Minh Dũng. Khi Dũng được 7 tuổi thì hai vợ chồng đưa đơn ra tòa xin ly hôn.
Chị Hoa hối hận về sự nóng giận và thiếu hiểu biết của mình. |
Tòa công nhận Kiều Minh Dũng là con chung của hai người, nhưng theo quy định thì con phải mang họ cha, nên tòa sửa lại là Phạm Văn Dũng.
Kết thúc phiên tòa, chị Hoa được quyền nuôi con, còn ông Thành được quyền lui tới để thăm nom con nhỏ.
Sau đó, chị Hoa đưa Dũng về nhà mẹ ruột và mưu sinh bằng nghề làm bún.
Trong thời gian này, ông Thành thường hay lui tới chăm sóc con. Chính vì vậy, “tiếng sét ái tình” một lần nữa lại rung lên.
Kết quả vào năm 1999, chị Hoa sinh một bé gái nữa và đi đăng kí giấy khai sinh cho con là Kiều Thị Thùy Trang (Trang mang họ mẹ).
Đến năm 2006, anh Thành chết trong một vụ TNGT, để lại một căn nhà gỗ lợp tôn nằm trong diện tích đất khoảng 700m2. Ngoài ra, anh đứng tên chủ sở hữu khoảng 800m2 đất trồng điều và 10.000m2 đất trồng cao su ba năm tuổi.
Tuy nhiên, 2 loại cây này do anh trai của ông trồng. Cũng chính vì vậy mà bi kịch tranh giành đất giữa con trai ông Thành và người bác ruột là ông Phạm Minh đã xảy ra.
Đến khi UBND xã đề nghị cần xác định rõ ông Phạm Minh hay Dũng - ai là chủ sở hữu hợp pháp đối với thửa đất, để cơ quan chức năng đền bù số tiền giải phóng mặt bằng dự kiến quy hoạch xây dựng trung tâm xã.
Theo cơ sở pháp lý, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ), phần đất mà hai bác cháu đang tranh chấp là do ông Phạm Văn Thành - cha của Dũng đứng tên.
Tuy nhiên, qua hai lần hòa giải tranh chấp thì ông Minh khẳng định: “Tôi sẽ cho ba sào đất để lại cho Dũng, nhưng với điều kiện chỉ cho đất chứ không cho cây trồng trên đất đang canh tác.
Dũng thì phản đối: “Trong GCN QSDĐ thì người đứng tên là cha của tôi, nên tôi được quyền thừa kế toàn diện tích đất đó”.
Cho rằng, Dũng đòi hỏi quá đáng nên ông Minh đổi ý: “Dũng không mang họ cha, nên Dũng không phải là cháu của tôi. Vì vậy, Dũng không được thừa kế 1 mét đất nào”.
Đến lần thứ ba, phiên hòa giải do UBND xã tiếp tục tổ chức thì ông Minh vắng mặt.
Bà Kiều Thị Thanh Hoa buồn rầu nói: “Chỉ vì quá giận chồng, nên tôi mới không đăng ký khai sinh cho Dũng và Trang mang họ cha. Giờ nhận ra thì quá muộn. Từ ngày anh Thành mất đi, hai bác cháu không nhìn mặt nhau. Sắp tới lại đưa đơn nhau ra tòa giải quyết, đúng là một bi kịch…”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch UBND xã Long Giang cho biết: “Tôi là người phát hiện ra vụ việc nên phải bảo vệ sự thật, ngăn chặn những cái không nằm trong lẽ phải. Cả xã này ai mà không biết thằng Dũng là cháu ruột của ông Minh, nên tranh chấp này quả là chuyện xưa nay hiếm”.
Theo luật sư Hoàng Minh Quang, Trưởng Văn phòng luật Hoàng Minh, Đoàn luật sư Bình Phước, Dũng có thể khởi kiện vụ việc này ra tòa để đòi quyền thừa kế. Nếu ông Minh không chấp nhận Dũng là cháu ruột của mình để hưởng quyền thừa kế do cha ruột để lại, thì có thể giám định ADN để xác định huyết thống.
Thọ Lang