Theo báo cáo, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ 5 quan điểm phát triển. Trong đó, Hà Nội phát triển dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhanh, bền vững, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt, là hình mẫu và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; xây dựng Hà Nội thực sự là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, giàu về kinh tế, đẹp về cảnh quan, ngang tầm với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới. Phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu của phát triển. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, kết hợp khai thác hợp lý, có hiệu quả những lợi thế đặc thù của thiên nhiên...
Trong khi đó, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nêu 9 nội dung đề xuất chương trình, dự án đột phá, trọng tâm. Trong đó, bên cạnh mục tiêu xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành TP kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới về năng lực phát triển kinh tế, trình độ nghiên cứu và triển khai, phát triển văn hóa, điều kiện sống tốt, môi trường đô thị và khả năng tiếp cận và sử dụng giao thông công cộng, phải tập trung xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, là trung tâm văn hóa sáng tạo.
Ngoài ra, Đồ án cũng xác định áp dụng mô hình TP trong Thủ đô để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa); đồng thời, dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển Cảng hàng không thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam... Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, dự kiến, trong tháng 4 tới, Thành ủy Hà Nội sẽ trực tiếp báo cáo Bộ Chính trị về 2 quy hoạch. Sau đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị tiếp tục hoàn thiện 2 quy hoạch để báo cáo Quốc hội (QH) tại Kỳ họp thứ 7.
Phát biểu tại cuộc làm việc, để bảo đảm chất lượng và sự đồng bộ của hai bản quy hoạch, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý phải bảo đảm tính thứ bậc giữa Quy hoạch Thủ đô và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; giữa Quy hoạch Thủ đô, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, các Quy hoạch ngành quốc gia... Chủ tịch QH đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng các cơ sở xây dựng Quy hoạch chung Thủ đô và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, nhất là các cơ sở về dân số, lao động, việc làm, dân số vãng lai, số lượng sinh viên, lực lượng vũ trang, khách du lịch..., bảo đảm sát thực với hiện trạng và dự báo phát triển trong tương lai, đồng thời phải “khớp” giữa 2 Quy hoạch cho từng giai đoạn.
Chủ tịch QH nêu rõ, Quy hoạch chung Thủ đô và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải cụ thể hoá được các quan điểm, chủ trương tại các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phát triển Thủ đô và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bằng ngôn ngữ quy hoạch để triển khai thực hiện.