Trước đó, ngày 19/7, Bộ LĐ-TB&XH có Văn bản số 3202/BLĐTBXH-VP gửi các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thông báo hoãn tổ chức hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Sau khi báo cáo cấp có thẩm quyền, Bộ LĐ-TB&XH có Văn bản 3204/BLĐTBXH-VP thông báo tiếp tục tổ chức hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác nhận được thông tin và thân nhân liệt sĩ sẽ có 350 đại biểu người có công với cách mạng tham dự. Đối tượng là các đại biểu tiêu biểu là người có công với cách mạng qua các thời kỳ; cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; đại diện thân nhân liệt sĩ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đơn vị chủ trì Hội nghị là Bộ LĐ-TB&XH. Các đơn vị phối hợp gồm có: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, UBND thành phố Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn; đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%.
Trong 6 tháng qua, cả nước đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.091.324 người với kinh phí ước khoảng hơn 16,104 nghìn tỷ đồng. Làm tốt công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công và các phong trào đền ơn đáp nghĩa…
Trong những tháng cuối năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Cùng với đó là thực hiện đầy đủ chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; hoàn thiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt. Đối với lĩnh vực người có công, hình thành Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân trực tiếp đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư, để phục vụ lưu trữ, tìm kiếm lâu dài.
“Để thân nhân liệt sĩ được giám định gen và giám định gen tất cả mộ liệt sĩ còn hài cốt, điều này bớt đi day dứt của thân nhân liệt sĩ chưa tìm được người thân, hướng tới hình thành Ngân hàng ADN, trên tinh thần “làm một lần để cho các thế hệ sau”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.