Chia sẻ với báo chí sáng 28/4, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, cho biết, pháp nhân vận hành hệ thống đấu giá trực tuyến là Công ty CP Đấu giá Trực tuyến Lạc Việt do bà Đỗ Chung Thủy làm đại diện pháp luật với chức danh Tổng giám đốc.
“Trong khi nhiều hoạt động bị đình trệ, các doanh nghiệp ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, thì Lạc Việt và các cán bộ kỹ thuật đã làm việc liên tục để hoàn thiện hệ thống đấu giá trực tuyến này…” - bà Hạnh cho hay.
Cũng theo bà Hạnh, hiện đơn vị đã làm các thủ tục gửi đề án lên Sở Tư pháp Hà Nội thẩm định. Theo quy định, Sở Tư pháp sẽ thành lập Hội đồng thẩm định trước khi cấp phép.
“Bằng việc đưa hệ thống đấu giá trực tuyến đi vào hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, chúng tôi tin rằng đây là phương pháp sẽ góp phần không nhỏ thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp Việt trong giai đoạn sắp tới…” - bà Hạnh khẳng định.
Trả lời PLVN về tính pháp lý của hệ thống đấu giá trực tuyến, đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cho biết, quy định về đấu giá trực tuyến đã được quy định tại Luật đấu giá tài sản 2016 và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản. Đơn vị đã 2 lần gửi hồ lên Sở Tư pháp Hà Nội đồng thời với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống. "Dịch Covid-19 này là cơ hội để chúng tôi thúc đẩy hoàn thiện hệ thống và chúng tôi tin tưởng lần này hệ thống đảm bảo vận hành tốt nhất"
Việc ra mắt hệ thống đấu giá trực tuyến trong khi chờ được cấp phép chính thức, theo bà Hạnh là để khởi động sàn để người dân, doanh nghiệp biết. "Hoạt động là thử nghiệm và hoàn toàn miễn phí, nhưng tài sản là thật, trả giá là thử nghiệm. Chúng tôi có bộ phận chăm sóc khách hàng và sẽ liên hệ với các bên, còn việc mua bán thành công hay không là thỏa thuận giữa các bên…” - bà Hạnh cho hay.
Cũng theo đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, để các phiên đấu giá trên toàn quốc được hoạt động trở lại, giờ đây mỗi người dân, mỗi đơn vị có tài sản, mỗi tổ chức bán đấu giá cũng cần phải thay đổi để bắt nhịp vào công nghệ số
“Không còn rào cản về công nghệ yếu kém hay bất kỳ sự thiếu thốn nào khác để trì hoãn việc sử dụng công nghệ vào lĩnh vực đấu giá tài sản, nếu không chuyển đổi ngay cả hệ thống tài chính của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng, hàng trăm ngàn tỷ đồng bị thu chậm trễ…” - Tổng giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt nhấn mạnh.