R-12, loại tên lửa đạn đạo từng khiến nước Mỹ “thót tim”

Tên lửa R-12 của Liên Xô
Tên lửa R-12 của Liên Xô
(PLVN) - R-12, NATO gọi là SS-4 Sandal, là tên lửa đạn đạo do Liên Xô phát triển thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Với những đặc tính ưu việt, tên lửa này giúp Liên Xô có được năng lực tấn công các mục tiêu ở tầm trung bằng các đầu đạn hạt nhân lớp megaton. Việc triển khai R-12 ở Cuba cũng chính là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Tính năng ưu việt

Tên lửa R-12 được sản xuất trên cơ sở tên lửa R-5M - tên lửa tầm trung đầu tiên được Liên Xô trang bị cho quân đội nước này vào năm 1955. Tuy nhiên, chỉ có 48 quả tên lửa R-5M được sản xuất vì đặc điểm kỹ thuật và chiến thuật của tên lửa rất khiêm tốn, trong khi quá trình chuẩn bị để phóng cũng khá dài vì tên lửa cần được tiếp nhiên liệu. 

Do đó, vào tháng 8/1955, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã thông qua quyết định tạo ra một tên lửa tầm trung tiên tiến hơn, có khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở trạng thái mang đủ nhiên liệu và có hệ thống kiểm soát hoàn toàn độc lập. Nhiệm vụ này đã được giao cho Văn phòng thiết kế, đứng đầu là Viện sĩ Mikhail Yangel, thực hiện.

Kết quả thu được của nhóm thiết kế cuối cùng đã vượt cả chỉ tiêu đề ra. Tên lửa R-12 một tầng với phần đầu khối đơn còn có đặc tính độc đáo: các thùng nhiên liệu bên trong được đặt ở phía trước phần trọng tâm tên lửa. Thiết kế như vậy khiến trọng tâm tên lửa sẽ được chuyển về phía sau khi nhiên liệu tiêu hao, bảo đảm tên lửa sẽ bay ổn định trong suốt hành trình. 

Trái tim của R-12 là động cơ tên lửa bốn buồng với các cánh lái khí đốt dùng than chì được lắp trên vết cắt của buồng đốt. Khi ra mắt, tên lửa R-12 gây ấn tượng mạnh khi có độ chính xác khá cao, với độ lệch tối đa là 2,3km; có thể mang đầu đạn lên tới 2,3 megaton và có thể bắn trúng các mục tiêu nằm trong diện tích lên tới 100 km2.

Ngày 22/6/1957, Liên Xô tiến hành đợt phóng thử nghiệm đầu tiên đối với tên lửa R-12 tại bãi phóng thử ở Kapustin Yar. Một năm sau khi ra mắt thành công, tên lửa R-12 bắt đầu được sản xuất hàng loạt tại thành phố Dnepropetrovsk. Ban đầu, nó được thiết kế để phóng từ các bệ phóng trên mặt đất.

Về sau, các nhà thiết kế của Liên Xô đã phát triển để R-12 phù hợp với việc phóng từ hầm phóng. Mùa xuân năm 1960, năm trung đoàn đầu tiên của R-12 với bệ phóng trên mặt đất đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trực chiến.

Ba năm sau đó, trung đoàn R-12 phóng từ giếng phóng dưới lòng đất cũng chính thức sẵn sàng triển khai. Ngày 4/3/1959, tên lửa R-12 được đưa vào kho chứa vũ khí của Nga và đến năm 1960 thì lần đầu ra mắt công chúng. 

“Thót tim” sợ đụng độ

Năm 1959, Cách mạng Cuba thắng lợi. Một năm sau đó, Chủ tịch Cuba Fidel Castro tuyên bố Cuba sẽ đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Ngay lập tức, Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba. 

Sau thất bại tại sự kiện Vịnh Con Lợn năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy đã phê duyệt kế hoạch tiến hành chiến dịch phản gián Mongoose nhằm chống lại chính quyền của Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là ông Nikita Khrushchev cho rằng nếu Liên Xô không có bước đi quyết định bảo vệ Cuba thì rất có thể sẽ mất Cuba, kéo theo việc vị thế của Nga trên trường quốc tế bị sụt giảm nghiêm trọng. 

Khi nhận thấy Mỹ ngày càng thể hiện âm mưu xâm lược Cuba để lật đổ chính quyền của Fidel Castro, lãnh đạo Liên Xô cho rằng việc tăng cường sức mạnh quân sự cho Cuba là “một mũi tên trúng hai đích”. Theo tính toán của ông Khrushchev, việc bố trí tên lửa hạt nhân ở Cuba không chỉ giúp ngăn chặn hành động quân sự của Mỹ nhằm vào Cuba mà còn giúp tạo thế cân bằng hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ.

Giữa năm 1962, ông Khrushchev phê duyệt bản kế hoạch Chiến dịch bí mật Anadyr, theo đó bí mật triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung R-12 tới Cuba nhằm thiết lập một “chiếc ô hạt nhân” có thể giúp Cuba ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ. Mùa thu năm 1962, trong khuôn khổ chiến dịch Anadyr, một số đơn vị của quân đội Liên Xô được triển khai ở Cuba, trong đó có 24 bệ phóng và 36 quả tên lửa R-12.

Vào ngày 9/9/1962, sáu quả tên lửa R-12 đầu tiên đã đến cảng Casilda. Vào ngày 15/9 đã có thêm tám quả tên lửa nữa cập cảng. Tổng cộng, đến ngày 24/10, 36 quả tên lửa R-12 với đầu đạn hạt nhân đã được chuyển tới Cuba. Đến ngày 27/10/1962, R-12 đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ.

Liên Xô được cho là đã sản xuất 2.335 tên lửa R-12
Liên Xô được cho là đã sản xuất 2.335 tên lửa R-12

Vào ngày 14/10 năm đó, máy bay do thám U-2 của Mỹ đã chụp được các vị trí của tên lửa Liên Xô tại Cuba. Phía Mỹ nhanh chóng xác định được loại tên lửa mà Liên Xô đang triển khai trực chiến tại Cuba vì từ một năm trước đó họ đã được kẻ phản bội Oleg Penkovsky chuyển giao cho những tài liệu bí mật, trong đó có hình ảnh của các loại tên lửa của Liên Xô.

Đến ngày 16/10/1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhận được thông báo về sự hiện diện của các tên lửa R-12 tại Cuba. Việc tên lửa hạt nhân có mặt ở vị trí cách Mỹ chỉ khoảng 140km như vậy là điều không thể chấp nhận với Washington. Vì vậy, Tổng thống Mỹ Kennedy ngay lập tức triệu tập một nhóm các chuyên gia thuộc Ban điều hành để thảo luận và quyết định về các hành động đối phó của Mỹ với tình huống bất ngờ trên. 

Việc thảo luận kéo dài suốt một tuần, chia làm hai phe: phe diều hâu muốn  tiến hành một cuộc không kích và sau đó là một cuộc xâm lược tại Cuba; còn phe bồ câu chọn phương án phong tỏa và thương thuyết vì lo ngại nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân với hậu quả vô cùng thảm khốc.

Tổng thống Kennedy ban đầu ủng hộ ý kiến của phe diều hâu. Giữa lúc cuộc tranh cãi về phương án phản ứng của Mỹ vẫn đang diễn ra gay gắt, ngày 27/10/1962, một máy bay do thám U-2 của Mỹ đã bị bắn hạ trên bầu trời Cuba, đẩy căng thẳng trở nên cực kỳ nguy hiểm. 

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã bùng nổ. Quân đội Mỹ đã được lệnh tập kết tại Florida để sẵn sàng cho một cuộc tấn công Cuba. Tổng thống Mỹ thậm chí đã soạn sẵn một bài diễn văn mở đầu để thông báo việc ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tấn công các lực lượng hạt nhân ở Cuba.

Về phía Liên Xô, nước này cũng đã nhắm vào những mục tiêu quan trọng của Mỹ. Cả thế giới đứng trước bờ vực bùng nổ Chiến tranh thế giới III với hậu quả nếu xảy ra sẽ thảm khốc hơn những cuộc chiến tranh trước đó nhiều lần vì các bên sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tháo ngòi xung đột

May mắn cho cả thế giới là trong tình thế đó, Tổng thống Mỹ Kennedy đã có quyết định khôn ngoan để tránh cho nước Mỹ và Liên Xô sa lầy vào khủng hoảng. Ông Kennedy yêu cầu Liên Xô rút toàn bộ tên lửa và thiết bị quân sự khỏi Cuba. Đổi lại, Mỹ cam kết không xâm lược Cuba. 

Tổng Bí thư Liên Xô Khrushchev không đồng ý và ra điều kiện ngược lại rằng Liên Xô sẽ rút tên lửa nếu Mỹ cũng rút tên lửa Jupiter khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Về mặt chính thức, Mỹ và Liên Xô đều tuyên bố không đồng ý với điều kiện của nhau nhưng hai bên đã mở các kênh ngoại giao bí mật để giải quyết khủng hoảng. 

Nhờ các quyết định tỉnh táo của lãnh đạo hai nước lúc bấy giờ mà cuộc khủng hoảng lớn nhất Chiến tranh Lạnh đã kết thúc sau 13 ngày “cân não”. Ngày 28/10/1962, lãnh đạo Liên Xô thông báo chấp nhận đề xuất của Mỹ và sẽ rút các tên lửa khỏi Cuba. Đến giữa tháng 11/1962, toàn bộ các tên lửa được rút khỏi Cuba và vào tháng 4/1963, toàn bộ các tên lửa Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng được dỡ bỏ theo thỏa thuận bí mật giữa hai bên.

Ngày 27/10/1962 sau này được đặt cho biệt danh “Ngày thứ Bảy đen tối”. Ngày này được các nhà sử học đánh giá là thời khắc nguy hiểm nhất trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nói riêng và trong lịch sử loài người nói chung.

Kể từ năm 1976, tên lửa R-12 đã bắt đầu lỗi thời, được thay thế bằng các hệ thống di động tầm trung RSD-10 Pioneer với tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, tên lửa loại này vẫn đã trực chiến đến năm 1990.

Tính tổng cộng, Liên Xô được cho là đã sản xuất 2.335 tên lửa R-12. Toàn bộ các tên lửa này đã bị phá hủy vào năm 1993, theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ và Liên Xô ký năm 1987 và mới đây đã bị cả Mỹ và Nga đình chỉ thực thi nghĩa vụ vì cáo buộc đối tác vi phạm các điều khoản.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.