Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới ký Quyết định số 22/QĐ- TTg phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch gồm lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa giới TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắc Nông, Lâm Đồng. Trong đó, phân chia thành 6 tiểu vùng quy hoạch gồm: thượng lưu sông Đồng Nai, sông Sài Gòn - Thượng Vàm Cỏ, sông Bé, sông La Ngà và các vùng phụ cận ven biển.
Quan điểm của quy hoạch là lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu phải sống chung và chủ động thích ứng. Trên cơ sở đó, mục tiêu của quy hoạch đến năm 2030 phân phối hợp lý nguồn nước, nhất là các tiểu vùng hạ lưu sông Đồng Nai và các đối tượng khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước mặt dưới đất, kiểm soát đuợc hoạt động xả thải. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương liên quan phải phục hồi nguồn nước mặt bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi mực nước dưới đất bị suy giảm quá mức.
Các chỉ tiêu của quy hoạch hướng tới 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước, sức chịu tải; 80% công trình khai thác, sử dụng nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống; 70% ao hồ kênh rạch có chức năng điều hoà, có đa dạng sinh học, lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng không được san lấp, được công bố và bảo vệ; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 40%-45% lượng nước thải tại các đô thị từ loại 2 trở lên và 25% - 30% lượng nước thải tại các đô thị từ loại 5 trở lên được thu gom và xử lý đạt.
Tầm nhìn đến 2050, quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai phải đảm bảo điều hoà, phân phối nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương, đa phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh. Đặc biệt, quy hoạch nhấn mạnh việc tầm soát được cao độ đáy sông, hoạt động khai thác cát sỏi trong lòng sông, bố trí lại dân cư ven sông và các biện pháp từng bước nâng cao dân trí cảnh quan ven sông…
Chính phủ đề nghị các đơn vị địa phương quản lý, điều hoà, phân phối nguồn nước mặt, nước dưới đất có thể khai thác sử dụng trong điều kiện bình thường trên vùng quy hoạch từ 36.088 triệu m3 (ứng với tần suất 85%) đến khoảng 46.134 triệu m3 (ứng với tần suất 50%). Quy định này góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng đến năm 2030 khoảng 12.169 triệu m3 trên phạm vi vùng quy hoạch.
Trong điều kiện bình thường, UBND các tỉnh, TP chủ động điều hoà phân phối tài nguyên nước đảm bảo phù hợp quy trình vận hành liên hồ chứa đã được ban hành. Hàng năm, Bộ Tài nguyên – Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, địa phương xây dựng công bố kịch bản nguồn nước cả năm và cập nhật đầu mùa cạn. Trên cơ sở hiện trạng và dự báo xu thế, diễn biến lượng mưa, diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa các thời kỳ trong năm.
Trường hợp dự báo có hạn hán, thiếu nước, Bộ Tài nguyên – Môi trường phải phối hợp với các bộ liên quan và UBND các địa phương xây dựng phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước.