UBND TP.Hà Nội hôm qua tập trung thảo luận về một trong những vấn đề bức xúc trên địa bàn TP hiện nay là giải quyết những bất cập trong qui hoạch kiến trúc đô thị, đặc biệt là đối với các trường hợp công trình, thửa đất, “siêu mỏng, siêu méo, nhất là các công trình chạy dọc theo các tuyến đường mới mở.
Thí điểm xử lý nhà mỏng méo: Chưa có hồi kết
Sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm xử lý những trường hợp không đủ điều kiện xây dựng (nhà mỏng, méo) để lập lại trật tự, kỷ cương của TP theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, quận Thanh Xuân đã xử lý 39 trường hợp. Đến nay, còn 31 trường hợp mỏng méo chưa được xử lý, “chờ ý kiến của Sở Quy hoạch kiến trúc” – Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lưu Tất Thắng cho biết.
Theo báo cáo của UBND quận, trên địa bàn Thanh Xuân có 70 công trình siêu mỏng, siêu méo (có diện tích nhỏ hơn 15m2, chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m) bị đưa vào danh sách “xử lý”. Nhưng Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Khắc Thọ cho rằng, con số này có thể nhiều hơn vì “sau khi niêm yết công khai xử lý chắc chắn sẽ có phát sinh những trường hợp khiếu kiện. Chắc chắc sẽ phát sinh thêm những trường hợp mới”.
Trong số 31 công trình mỏng méo chưa xử lý được, Thanh Xuân đề xuất cho hợp khối hoặc làm ki ốt đối với 20 công trình, thửa đất như “ngôi nhà tạm” số 397 Trường Chinh. 9 trường hợp khác ở các phường Nhân Chính, Thanh Xuân Trung, Khương Trung, Hạ Đình, UBND quận Thanh Xuân đề xuất thu hồi để mở rộng ngõ, mở rộng vỉa hè, trạm tuần tra công an phường và làm bảng tin. 2 trường hợp còn lại, xin ý kiến chỉ đạo của TP về quy hoạch sử dụng đất.
Song từ góc độ chuyên môn, lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Qui hoạch Kiến trúc TP đánh giá, “nhiều trường hợp quận Thanh Xuân đề xuất hợp khối cũng không hợp lý khi hợp khối lại vẫn là nhà siêu mỏng siêu méo”. Thậm chí “để lại kiến trúc rất vô lý cho xã hội. Khi sử dụng sẽ phát sinh nhiều vấn đề không thể chấp nhận được” như lo ngại của ông Nguyễn Văn Hải (Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP). Nên để giải quyết dứt điểm “nạn” nhà mỏng méo, trong những trường hợp này, ông Hải đề xuất, “chính quyền nên giải toả rồi giải quyết cho những hộ đằng sau”.
Từ thực tế còn chưa thể xử lý dứt điểm được nhà mỏng méo trên địa bàn quận Thanh Xuân thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình chỉ đạo, tiếp tục làm kiên quyết, “phá dỡ và thu hồi những công trình xây dựng trái phép nếu người nhân dân không chấp hành những quy định của TP và Chính phủ”.
Điều tra, rà soát sẽ “bật” ra các thửa đất nhỏ lẻ
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, với thực trạng hiện nay, Hà Nội vẫn cho phép các thửa đất có diện tích từ 30m2 trở lên được làm sổ đỏ. Mặc dù quy định này của TP đã bị “thổi còi” nhưng vẫn đang được thực hiện. Nếu cấp sổ đỏ cho các thửa đất có diện tích dưới 30m2 thì “nát” ngay.
Từ kết quả thí điểm ở Thanh Xuân, Sở Quy hoạch kiến trúc đề xuất, nhanh chóng áp dụng các biện pháp xử lý đối với các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường mới mở.
UBND các quận, huyện, thị xã phải lập quy hoạch chi tiết để chỉnh trang đường phố thì “thu được hết các chỗ đất nhỏ, đất không được phép xây dựng, không vướng gì cả, thậm chí có nơi còn thu trắng vì “chính sách giải phóng mặt bằng, không hề có quy định nào “bó” chúng ta cả, chỉ có duy nhất một vấn đề đó là tái định cư mà thôi”.
Hy vọng với tinh thần này, Hà Nội sẽ nhanh chóng tìm được hướng đi để giành lại nét đẹp cho bộ mặt Thủ đô.
Huy Anh