QUY CHẾ
BÌNH CHỌN GƯƠNG SÁNG PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ- BTC, ngày 28 tháng 2 năm 2022 của Trưởng Ban tổ chức bình chọn, tôn vinh Gương sáng Pháp luật
Chương 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, ý nghĩa
1. Bình chọn Gương sáng Pháp luật là hoạt động nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của công dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
2. Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc lựa chọn, tôn vinh các cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác xây dựng, tổ chức (phổ biến, giáo dục pháp luật) thi hành pháp luật. Việc bình chọn, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật bằng việc xây dựng những cá nhân tiêu biểu, nhân vật điển hình trong việc thực hiện pháp luật, lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
3. Nhân ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) hàng năm, Ban Tổ chức tiến hành lựa chọn và tôn vinh khoảng 50 cá nhân trong cả nước, là đại diện cho các ngành, lĩnh vực và địa phương, đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ pháp luật; là những tấm gương điển hình cho sự dũng cảm, đức hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thực thi pháp luật, vì nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Điều 2. Nguyên tắc bình chọn
Việc bình chọn phải căn cứ theo Quyết định số 341/QĐ-BTP, ngày 09 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật”.
Việc bình chọn được thực hiện khách quan, công khai dựa trên hồ sơ bình chọn và các tiêu chí bình chọn. Hội đồng bình chọn sẽ hiệp y lựa chọn trên cơ sở hồ sơ và danh hiệu các cá nhân được lựa chọn vào danh sách chung khảo.
Điều 3. Đối tượng bình chọn
1. Đối tượng bình chọn là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp có thành tích và được cơ quan nơi công tác, cơ quan Nhà nước quản lý ngành, lĩnh vực hoặc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp xét tặng danh hiệu, giải thưởng từ cấp tỉnh, thành phố trở lên về những nỗ lực, đóng góp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong năm 2020, 2021 và đầu năm 2022 và những trường hợp đặc biệt không áp dụng quy định thời gian tham gia bình chọn.
2. Đối tượng bình chọn là cá nhân cư trú tại Việt Nam có hành động, việc làm cụ thể mang tính tích cực nêu gương, đóng góp đối với quá trình xây dựng và tổ chức, thi hành pháp luật, đã được cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp tặng thưởng đối với thành tích đã đạt được, có ý nghĩa tích cực đối với việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
3. Các cá nhân sống tại Việt Nam có hành động anh dũng, đức hy sinh trong việc bảo vệ pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng và người khác, được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị Ban Tổ chức xét tặng và tôn vinh Gương sáng Pháp luật để ghi nhận lòng quả cảm, đức hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và thực hiện pháp luật; góp phần lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật và các giá trị nhân văn tốt đẹp cao thượng trong xã hội.
Điều 4. Danh hiệu
1. Danh hiệu Gương sáng Pháp luật là sự ghi nhận của Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn Gương sáng Pháp luật đối với các cá nhân được bình chọn, đáp ứng các tiêu chí bình chọn quy định tại Quy chế này.
2. Danh hiệu Gương sáng Pháp luật được Bộ Tư pháp trao tặng các cá nhân được bình chọn nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) nhằm tôn vinh các cá nhân có đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và thực hiện pháp luật
Điều 5. Tiêu chí bình chọn
1. Tiêu chí bình chọn là các căn cứ mà Hội đồng bình chọn sử dụng để đánh giá tinh thần dũng cảm, đức hy sinh và những đóng góp của đối tượng bình chọn đối với sự nghiệp xây dựng và thi hành pháp luật;
2. Danh hiệu 50 Gương sáng pháp luật được Hội đồng bình chọn lựa chọn phải đảm bảo cơ cấu, có đại diện dân tộc, tôn giáo, vùng miền…ở mức hợp lý. Theo đó tỷ lệ thuộc Bộ, ngành Trung ương là 40%; tỷ lệ địa phương là 60%. Tỷ lệ thuộc khối xây dựng pháp luật 50%, tỷ lệ thuộc khối thi hành pháp luật 50%. Tỷ lệ nữ 30%.
3. Các cá nhân được đưa vào danh sách bình chọn phải được đăng tải công bố thông tin về các thành tích, sự cống hiến trên các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam.
4. Khi bình chọn danh hiệu Gương sáng Pháp luật, Hội đồng bình chọn phải căn cứ vào các tiêu chí được ban hành trong Quy chế này để bình chọn. Không đánh giá theo các tiêu chí không được nêu trong Quy chế.
Điều 6. Tiêu chí bình chọn Gương sáng Pháp luật trong xây dựng pháp luật
Các cá nhân được bình chọn là Gương sáng Pháp luật là những người đạt được các thành tích xuất sắc, tiêu biểu hoặc được trao tặng các danh hiệu cao quý của các cơ quan có thẩm quyền về những thành tích trong công tác xây dựng pháp luật, truyền cảm hứng lan toả trong xã hội về tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
1. Cá nhân được bình chọn là Gương sáng Pháp luật là người có đóng góp đối với việc xây dựng pháp luật, gồm các tiêu chí sau đây:
a) Có sáng kiến xuất sắc trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật; có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng đối với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền ghi nhận và đưa vào các văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước và quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật;
b) Cá nhân có các công trình nghiên cứu khoa học, các hoạt động tổng kết thực tiễn trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng và bảo vệ tổ quốc, được cơ quan có thẩm quyền chuyển hóa thành quy định của pháp luật và đưa vào thực hiện trong cuộc sống;
c) Được cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đánh giá, nghi nhận và và tặng thưởng danh hiệu, bằng khen, giấy khen liên quan đến những đóng góp trong xây dựng hoàn thiện pháp luật;
d) Là người không có tiền án, tiền sự; không ở trong tình trạng bị khởi tố, điều tra, chấp hành án phạt tù;
2. Trường hợp có nhiều người thỏa mãn các tiêu chí trên thì Ban Tổ chức lựa chọn cá nhân có thành tích tốt hơn để công nhận là Gương sáng Pháp luật.
Điều 7. Tiêu chí bình chọn Gương sáng Pháp luật trong lĩnh vực tổ chức thi hành pháp luật
1. Cá nhân được bình chọn là Gương sáng Pháp luật trong lĩnh vực thi hành pháp luật đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Là người không có tiền án, tiền sự; không ở trong tình trạng bị khởi tố, điều tra, chấp hành án phạt tù;
b) Là người có lối sống gương mẫu, thượng tôn pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;
c) Có đóng góp vật chất và công sức đối với việc tổ chức thi hành pháp luật; đấu tranh phòng chống các vi phạm pháp luật; bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội nơi cư trú và làm việc;
d) Có các thành tích suất sắc, nổi bật trong lao động, học tập và cuộc sống, vận động, tổ chức và truyền cảm hứng lan toả việc vận dụng đưa pháp luật vào cuộc sống thực tiễn, được cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng liên quan đến những đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
2. Trường hợp có nhiều người thỏa mãn các tiêu chí trên thì Ban Tổ chức lựa chọn cá nhân có thành tích tốt hơn để công nhận là Gương sáng Pháp luật;
Chương 2. TỔ CHỨC BÌNH CHỌN
Điều 8. Hội đồng bình chọn
1. Hội đồng bình chọn là tập thể gồm các cá nhân có uy tín, đại diện cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp do Ban Tổ chức thành lập để thực hiện việc bình chọn danh hiệu Gương sáng pháp luật. Số lượng thành viên Hội đồng bình chọn từ 9 đến 11 người.
2. Hội đồng bình chọn hoạt động theo Quy chế bình chọn. Khi bình chọn, Hội đồng bình chọn hoạt động theo phương thức tham vấn, hiệp y.
3. Hội đồng bình chọn thực hiện việc bình chọn, đánh giá khách quan, trung thực trên cơ sở hồ sơ bình chọn do Tổ Thư ký chuẩn bị. Thành viên của Hội đồng bình chọn ký xác nhận trên các phiếu hiệp y và ký vào các biên bản chung của cuộc bỏ phiếu chung kết các cuộc bình chọn.
Điều 9. Tổ Thư ký
Tổ Thư ký là tập thể được thành lập để giúp Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn thực hiện các công việc cần thiết trong quá trình thực hiện việc bình chọn.
Thành viên của Tổ Thư ký gồm đại diện Báo Pháp luật Việt Nam và đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức, do Trưởng Ban tổ chức ra quyết định thành lập.
Điều 10. Quy trình bình chọn và công nhận danh hiệu
1. Việc bình chọn được tiến hành theo phương thức đánh giá hồ sơ; so sánh hồ sơ bình chọn của các cá nhân được đưa vào danh sách bình chọn;
Ban Tổ chức lập hồ sơ bình chọn, đề nghị cơ quan, tổ chức đề cử, giới thiệu hoặc xác nhận các cá nhân ưu tú, có thành tích và đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng các tiêu chí bình chọn Gương sáng pháp luật và gửi hồ sơ về Ban Tổ chức để thực hiện bình chọn.
2. Ngoài hồ sơ do các cơ quan, tổ chức gửi kèm danh sách đề xuất bình chọn, tôn vinh Gương sáng pháp luật; Trong tường hợp xét thất cần thiết, Ban Tổ chức xây dựng hồ sơ cần thiết để gửi đến các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp để làm cơ sở kiểm chứng, đánh giá, thẩm định thông tin về đối tượng được bình chọn.
3. Sau khi nhận đủ hồ sơ bình chọn, Tổ Thư ký tổng hợp hồ sơ của cá nhận được đề nghị bình chọn và trình Hội đồng bình chọn xem xét, bình chọn, công nhân danh hiệu.
4. Trên cơ sở danh sách cá nhân được đề cử bình chọn, công nhân danh hiệu và tôn vinh là Gương sáng pháp luật, Hội đồng bình chọn sẽ xem xét khách quan, toàn diện về nhân thân và những đóng góp của cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và thi hành pháp luật, theo các tiêu chí bình chọn để lựa chọn cá nhân xứng đáng là Gương sáng pháp luật, đề nghị Ban Tổ chức công nhân danh hiệu và đề nghị Bộ Tư pháp trao tặng danh hiệu, giải thưởng.
5. Sau khi có kết quả bình chọn của Hội đồng bình chọn, Ban Tổ chức tiến hành thẩm tra, xác minh và công nhân kết quả bình chọn. Ban Tổ chức đề nghị Bộ Tư pháp trao tặng và tôn vinh Gương sáng Pháp luật nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11).
Điều 11. Công nhận và công bố kết quả bình chọn
1. Căn cứ kết quả bình chọn của Hội đồng bình chọn, Ban Tổ chức sẽ tiến hành báo cáo Ban chỉ đạo và công bố danh sách các cá nhân được nhận danh hiệu và giải thưởng trong buổi lễ vinh danh Gương sáng Pháp luật nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11).
2. Danh sách các cá nhân đạt giải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức việc trao danh hiệu cho các cá nhân được công nhận.
Điều 12. Rút danh hiệu đã trao tặng
Sau khi trao tặng danh hiệu cho các cá nhân mà Ban Tổ chức phát hiện hành vi gian lận dẫn đến việc nhầm lẫn của Ban Tổ chức và Hội đồng bình chọn, hoặc có bằng chứng chắc chắn về việc cá nhân được trao tặng danh hiệu không đủ điều kiện để nhận danh hiệu theo Quy chế này, Ban Tổ chức sẽ quyết định rút lại danh hiệu đã trao tặng cho cá nhân đó.
Ban Tổ chức sẽ thông báo việc rút danh hiệu đến tổ chức, cá nhân vi phạm và Ban chỉ đạo Chương trình Gương sáng pháp luật.
Điều 13. Giải quyết các yêu cầu, khiếu nại và tố cáo
Trưởng Ban tổ chức chương trình bình chọn là người duy nhất có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu, khiếu nại và tố cáo của các tổ chức, cá nhân có liên quan, cụ thể như sau:
1. Yêu cầu, khiếu nại và tố cáo liên quan đến hành vi của thành viên Ban Tổ chức, Ban Thư ký, Hội đồng bình chọn trong quá trình thực hiện các công việc liên quan đến việc bình chọn;
2. Yêu cầu, khiếu nại và tố cáo liên quan đến tổ chức, cá nhân tham gia bình chọn;
3. Yêu cầu, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc công nhận danh hiệu và rút danh hiệu đã trao cho tổ chức, cá nhân.
Quyết định giải quyết yêu cầu, khiếu nại và tố cáo của Trưởng Ban tổ chức là quyết định giải quyết cuối cùng.
Điều 14. Phụ lục của Quy chế
Trong quá trình tổ chức bình chọn, Ban Tổ chức xây dựng ban hành các điều lệ, biểu mẫu, công văn và các giấy tờ cần thiết khác phục vụ cho việc bình chọn. Các văn bản được Ban Tổ chức ban hành là phần phụ của Quy chế bình chọn mà Ban Tổ chức, các bộ phận giúp việc Ban Tổ chức, các tổ chức và cá nhân tham gia bình chọn phải tuân thủ.
Điều 15. Hiệu lực của Quy chế
Quy chế này là căn cứ để Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn, Tổ Thư ký sử dụng để bình chọn danh hiệu Gương sáng Pháp luật. Mọi khiếu nại về hoạt động của Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn, Tổ Thư ký, khiếu nại về kết quả bình chọn phải căn cứ vào Quy chế.
Trong quá trình thực hiện việc bình chọn, những nội dung của Quy chế được thay đổi, bổ sung sẽ được Ban Tổ chức ghi rõ lý do và công bố rộng rãi.