Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 8h ngày 6/6 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 71,92 USD/thùng, giảm 0,23 USD/thùng, tương đương giảm 0,32%; giá dầu thô Brent giao ở mức 76,51 USD/thùng, giảm 0,20 USD/thùng, tương đương giảm 0,26%.
Theo Reuters, giá dầu lao dốc bất chấp kế hoạch cắt giảm sản lượng sâu của Ả Rập Xê Út. Trái ngược với những dự báo trước đó, tuyên bố của Ả Rập Xê Út - nhà lãnh đạo nhóm sản xuất dầu mỏ OPEC chưa đủ sức nặng để hỗ trợ đẩy giá dầu đi lên trước những lo ngại về tiềm năng suy thoái kinh tế.
Nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới Ả Rập Xê Út cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng mỗi ngày (bpd) từ tháng 7 để đối phó với những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô đang khiến thị trường suy thoái.
Bộ năng lượng Ả Rập Xê Út cho biết, sản lượng của nước này sẽ giảm từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 xuống 9 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong tháng 7, đây là mức giảm lớn nhất của Ả Rập Xê Út trong nhiều năm.
Cam kết cắt giảm dầu tự nguyện của Ả Rập Xê Út nằm trên một thỏa thuận lớn của OPEC+ nhằm hạn chế nguồn cung vào năm 2024 khi tổ chức này tìm cách khôi phục giá dầu đang giảm.
Nhóm OPEC+ đã bơm khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới và đã cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo giá của Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh chiều 1/6.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 390 đồng/lít lên mức 20.878 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 516 đồng/lít lên 22.015 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 11 đồng/lít xuống còn 17.943 đồng/lít; dầu hỏa giảm 198 đồng/lít xuống còn 17.771 đồng/lít; dầu Mazut giảm 275 đồng/kg xuống còn 14.883 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu như kỳ trước và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Như vậy, tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 16 lần điều chỉnh giá. Trong đó, 9 lần là tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.