Theo báo cáo tại cuộc họp, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 60.000ha mặt nước có tiềm năng phát triển, nuôi trồng thủy sản. Trong đó có hơn 5.000ha diện tích mặt nước biển đang được sử dụng để nuôi trồng thủy sản.
Triển khai Chỉ thị 13-CT/TU, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tăng cường quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển; thực hiện rà soát, sắp xếp các cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch; thực hiện di dời, giải tỏa hoạt động thủy sản trái phép; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn.
Tuy nhiên, qua rà soát, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương còn chưa quyết liệt; tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép vẫn còn; mô hình quản lý của cơ quan chuyên ngành chưa hợp lý, dẫn đến công tác quản lý, thống kê chưa kịp thời; quy mô sản xuất còn mang tính chất hộ gia đình, chưa có doanh nghiệp, hệ thống doanh nghiệp chủ đạo, dẫn dắt chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị thủy sản; hạ tầng hậu cần, tiếp nhận sản phẩm còn thiếu, chưa đồng bộ.
Trên cơ sở báo cáo làm rõ của các địa phương, sở, ngành liên quan, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất: Sau gần 2 năm triển khai Chỉ thị 13-CT/TU, hiệu quả công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai Chỉ thị chưa được cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm minh.
Nhiều nơi còn có tư tưởng khoán trắng, có hiện tượng buông lỏng quản lý. Điều này dẫn đến một số nhiệm vụ đề ra trong Chỉ thị chưa hoàn thành đúng tiến độ; việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt; phát sinh diện tích vùng nuôi trái phép. Để xảy ra điều này là do cán bộ, công tác tổ chức thực hiện chưa hiệu quả, cần rà soát tổng thể, toàn diện.
Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, Quảng Ninh kiên quyết chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và thống nhất trong toàn tỉnh lập lại trật tự, kỷ cương đối với nghề nuôi biển; không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, kể cả cán bộ, đảng viên và nhân dân, chậm nhất đến ngày 31/3/2023, tất cả các địa phương có biển phải hoàn thành đánh giá hiện trạng, làm rõ diện tích, vị trí, tọa độ những trường hợp nuôi trồng thủy sản trên biển mới phát sinh, nuôi biển sau ngày có Chỉ thị 13-CT/TU. Để từ đó, xác định rõ trách nhiệm và nguyên nhân, kiến nghị biện pháp xử lý. Trong quá trình triển khai, cần xác định rõ tiến độ thực hiện.
Đặc biệt, phải siết chặt kỷ luật kỷ cương, ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cấp xã, cấp huyện, người đứng đầu ngành NN&PTNT từ tỉnh xuống cơ sở trong việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện. Trong đó, cần phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi trường hợp vi phạm, sai phạm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bí thư Quảng Ninh giao UBND tỉnh chỉ đạo lập đoàn kiểm tra liên ngành do Công an tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước khác, tiến hành kiểm tra toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, tổng hợp báo cáo về tỉnh chậm nhất trước ngày 30/4/2023. Trong quá trình kiểm tra, cần tiến hành ngay các biện pháp xử lý theo quy định.
Đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát quy hoạch, công khai quy hoạch, rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn, đề xuất chính sách chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa. Đồng thời phát huy vai trò của ngành khoa học công nghệ của tỉnh Quảng Ninh trong nghiên cứu các loại phao nhựa đảm bảo chất lượng. Thống nhất đề xuất trong Thường trực Tỉnh ủy, trên cơ sở rà soát lại toàn bộ dữ liệu đã có để chọn kiểm tra ít nhất một tổ chức Đảng trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý lĩnh vực thủy sản.