Theo thống kê của Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, năm 2022 số vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng chỉ chiếm 3,4% , nhưng lại chiếm đến 66,6% về tiền phải giải quyết; quá trình thi hành án gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ngay từ đầu năm, Cục đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi cục, các phòng chuyên môn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chấp hành viên xây dựng kế hoạch chi tiết, đưa ra các giải pháp hiệu quả đối với từng vụ việc cụ thể, trong đó xác định rõ nội dung công việc phải làm, thời gian, lộ trình thực hiện, đơn vị, cá nhân thực hiện; phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách, chỉ đạo.
Hằng quý, Chi cục trưởng phải trực tiếp kiểm tra tất cả các hồ sơ thi hành án và nghe các chấp hành viên báo cáo tiến độ giải quyết, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án và đề xuất hướng giải quyết để có hướng chỉ đạo cụ thể. Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc thi hành án có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng của Cục chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp cùng với Viện KSND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh tổ chức đi kiểm tra, nghe báo cáo và trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo thi hành án các vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng tại các chi cục THADS.
Trong quá trình giải quyết các vụ việc của đơn vị luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan hữu quan. Các vụ việc phải tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng, luôn nhận được sự quan tâm phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương các tổ chức đoàn thể, cơ quan công an, viện KSND cùng cấp.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, triển khai quyết liệt, tuy nhiên số việc thi hành xong liên quan đến tín dụng, ngân hàng trong năm 2022 chưa có nhiều chuyển biến. Tổng số án phải thi hành liên quan đến tín dụng, ngân hàng là 296 việc, tương ứng với 2.172 tỷ đồng. Cơ quan THDS các cấp đã giải quyết thi hành xong 58/174 việc có điều kiện thi hành; giải quyết xong số tiền 222,9/1.576,2 tỷ đồng có điều kiện thi hành (đạt tỷ lệ 33,33% về việc, 14,4% về tiền).
Nguyên nhân số việc còn tồn nhiều do trong quá trình thi hành án gặp không ít vướng mắc. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người phải thi hành án chưa cao, chây ỳ, chống đối, cản trở việc thi hành án; thậm chí có trường hợp còn lợi dụng vấn đề tôn giáo để cản trở, chống đối việc thi hành án. Phần lớn người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng đã mất khả năng thanh toán các khoản tiền vay, họ đang đứng trước nguy cơ bị xử lý tài sản, cố tình dây dưa kéo dài, chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách khác nhau, như: Thay đổi hiện trạng tài sản thế chấp; cản trở việc xác minh điều kiện thi hành án, định giá tài sản, bán đấu giá tài sản để thi hành án; đưa tài sản (ôtô, máy xúc...) khỏi địa phương, không thể truy tìm được để xử lý.
Lực lượng thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh phối hợp các lực lượng tiến hành cưỡng chế thu hồi tài sản liên quan tín dụng, ngân hàng. |
Một số trường hợp tài sản thế chấp là nhà ở duy nhất, có nhiều nhân khẩu cùng sống chung, trong đó có người già, trẻ nhỏ, dẫn đến việc cưỡng chế giao tài sản gặp rất nhiều khó khăn. Có trường hợp đồng thế chấp của người thứ ba không chặt chẽ khi ký kết, thế chấp diện tích quyền sử dụng đất, nhà, tài sản trên đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không theo hiện trạng thực tế, khi tòa án giải quyết (đặc biệt là trong các vụ tòa án công nhận thỏa thuận của các đương sự) cũng không xem xét thực tế hiện trạng tài sản khác biệt rất nhiều so với thông tin trong giấy chứng nhận, gây khó khăn cho công tác kê biên, xử lý tài sản.
Có trường hợp người phải thi hành án tự nguyện bàn giao tài sản cho Cơ quan thi hành án xử lý bán, nhưng khi đấu giá thành, tổ chức giao tài sản cho người trúng đấu giá thì diện tích ghi trong giấy chứng nhận đã cấp có sự sai lệch so với thực trạng sử dụng đất, dẫn đến không thể giao ngay được tài sản cho người trúng đấu giá. Ngoài ra, việc cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, khi xử lý tài sản có nhiều quan điểm khác nhau, số tiền bán tài sản thế chấp thấp hơn nhiều so khoản vay.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động THADS liên quan đến án tín dụng, ngân hàng, Cục THADS tỉnh đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn, kịp thời chỉ đạo các nội dung còn vướng mắc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn theo phản ánh của các đơn vị theo thẩm quyền (về cơ chế, về quy định pháp luật…), đa dạng hóa các phương pháp phối hợp để nâng cao hiệu quả của công tác THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.