Năm 2023, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý tổng số 5.263 vụ, việc (giảm 218 vụ, việc so với năm 2022), số vụ, việc thụ lý mặc dù giảm so với các năm 2021, 2022 song các vụ án hình sự có tính chất tội phạm phức tạp, hoạt động tinh vi, manh động, số bị cáo trong một vụ án tăng. Các vụ, việc liên quan tranh châp dân sự, kinh doanh thương mại ngày càng phức tạp.
Một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án được dư luận xã hội quan tâm do Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực của Trung ương và của tỉnh theo dõi chỉ đạo được tập trung nghiên cứu, sớm đưa ra xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật và ổn định trật tự xã hội.
Trong năm, các vụ, việc dân sự tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp đã tập trung khắc phục tình trạng án quá hạn giải quyết; thực hiện tốt công tác hòa giải, đối thoại; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết, nhất là các vụ án hành chính, dân sự, đặc biệt là một số vụ việc phức tạp, kéo dài. Tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính tiếp tục đạt kết quả cao theo yêu cầu của Quốc hội (Tỷ lệ giải quyết án hành chính đạt 74%, Quốc hội yêu cầu đạt trên 60%).
Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với cùng kỳ. Các mặt công tác khác theo báo cáo cũng đạt được kết quả tích cực. Qua báo cáo, TAND tỉnh đã phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân phát sinh đối với các tội phạm, phát sinh các tranh chấp dân sự để các cơ quan chức năng có giải pháp đấu tranh, phòng ngừa cũng như khắc phục sơ hở trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế như tiến độ, tỷ lệ giải quyết một số loại án chưa cao nhất là án liên quan tranh chấp dân sự. Trong năm, số vụ việc thụ lý mới và số năm cũ chuyển sang giảm so cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết án dân sự đạt thấp hơn yêu cầu của Quốc hội. Tỷ lệ giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động đạt tỷ lệ chung 76% (giảm 1% so với cùng kỳ).
Án dân sự đạt tỷ lệ 67%, án kinh doanh thương mại đạt tỷ lệ 66,5%, thấp hơn yêu cầu của Quốc hội. Trong kỳ vẫn còn một số vụ, việc quá hạn chưa được giải quyết theo quy định. Còn một số vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng bị Viện kiểm sát nhân dân hai cấp kiến nghị, kháng nghị: có 11 vụ/13 vụ án hình sự bị kháng nghị được chấp nhận (chiếm 84,6% kháng nghị); có 33/36 vụ về dân sự đã xử chấp nhận toàn bộ kháng nghị và 1 phần kháng nghị, chiếm 91,6%.
Mặc dù tỷ lệ các vụ, việc bị hủy, sửa bản án, quyết định do nguyên nhân chủ quan vẫn trong giới hạn theo yêu cầu của Quốc hội song chất lượng giải quyết một số vụ chưa đảm bảo. Việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến theo tinh thần Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội hướng tới xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án Thông minh còn hạn chế (Theo số liệu báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh số vụ phối hợp với TAND xét xử trực tuyến giảm 16 vụ; số phiên tòa xét xử trực tuyến giảm 29 phiên tòa).
Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Tòa án nhân dân tỉnh, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, nhất là các vụ, việc dân sự, vụ án kinh doanh, thương mại, hạn chế thấp nhất việc để các án quá hạn giải quyết. Có các giải pháp khắc phục khó khăn, tăng số vụ, việc đưa ra xét xử các phiên tòa trực tuyến theo tinh thần Nghị quyết so 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội hướng tới xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án Thông minh. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tăng số phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử, trong đó có các phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm, có kế hoạch khắc phục các tồn tại đã chỉ ra trong kỳ.