Theo Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi, toàn tỉnh này có hơn 90 vị trí sạt lở ta luy, đất, đá tràn ra mặt đường, lấp rãnh thoát nước dọc, trên các tuyến đường tỉnh và quốc lộ, khối lượng ước khoảng 14.891 m3. Trong đó, tại các tuyến quốc lộ 24, 24B, 24C có nhiều vị trí bị sạt lở ta luy, đất, đá tràn ra mặt đường và có nguy cơ tiếp tục sạt lở, nhiều vị trí bị ngập nước, cây bị ngã đổ…
Tại huyện Sơn Tịnh, mưa lớn đã khiến bờ sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Sơn bị sạt lở nặng. Đồng thời, một số tuyến kênh mương tại địa phương này cũng bị hư hỏng, sạt lở do mưa lớn.
Khắc phục sạt lở tại đường nối dài tuyến ĐH 77 đi hồ chứa nước Nước Trong, xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà). |
Tại huyện miền núi Sơn Tây có 18 tuyến đường bị sạt lở. Tại tỉnh lộ 623, đoạn thuộc thôn Nước Vương (xã Sơn Liên) một ngọn đồi bị sạt lở, khoảng 10.000 m3 đất, đá và bùn tràn xuống đường. Vụ sạt lở khiến giao thông trên tuyến tỉnh lộ này bị ách tắc hoàn toàn.
Nhiều tuyến đường ở thôn Đăk Lang, xã Sơn Dung cũng bị hư hỏng. Trong đó, đường bê tông vào xóm Ra Lung đứt đoạn khiến 20 hộ dân ở đây bị cô lập.
Sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã tập trung khắc phục để người và phương tiện có thể đi lại. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng sơ tán 17 hộ/66 khẩu tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở ở xã Sơn Dung và xã Sơn Liên đến nơi an toàn.
Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đi kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh). |
Còn tại huyện miền núi Sơn Hà, mưa lớn kéo dài gây hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân trên địa bàn huyện, nhất là tại xã Sơn Bao.
Cụ thể, cầu Nước Lố, xã Sơn Bao thuộc tuyến đường ĐH 77 (Di Lăng-Sơn Bao) bị hư hỏng hoàn toàn tường cánh phía hạ lưu, sạt lở sâu vào nền đường, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của cán bộ và nhân dân xã Sơn Bao.
Ta luy âm trên tuyến đường UBND xã Sơn Bao đi Nước Bao bị sạt lở. |
Tuyến ĐH 77 đi hồ Nước Trong đoạn qua xã Sơn Bao xuất hiện điểm sạt lở ta luy dương chiều dài khoảng 75m, với khối lượng đất tràn xuống mặt đường khoảng 2.000m³, dù đã được khắc phục tạm thời nhưng có nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới, gây chia cắt giao thông.
Đặc biệt, tuyến đường bê-tông từ UBND xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao, lũ lớn gây sạt lở khoảng 200m, ngoạm vào bên trong đường bê tông, tạo hàm ếch sâu từ 8m-12m, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Ngay sau xảy ra sạt lở, huyện lập tức rào chắn, thông báo cho người dân biết, cấm các phương tiện không được lưu thông, chỉ được phép đi bộ.
Bà Đinh Thị Trà - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: "Đây là tuyến đường duy nhất đi vào thôn Nước Bao và thôn Mang Nà (xã Sơn Bao), nơi sinh sống của hơn 280 hộ dân, với hơn 1.100 nhân khẩu. Do vậy, việc bị sạt lở nghiêm trọng gây khó khăn trong việc đi lại, nhất là vận chuyển hàng hóa, vật tư của người dân để phát triển kinh tế".
Sạt lở núi Van Cà Vãi (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) ngày càng nghiêm trọng khiến người dân nơm nớp lo sợ. |
Trước tình hình mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng, ngày 17/11, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, cùng đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra trên địa bàn.
Tại huyện miền núi Sơn Hà, ông Trần Phước Hiền biểu dương, đánh giá cao sự chủ động của huyện này trong việc ứng phó với mưa lũ, nhất là sự chuẩn bị chu đáo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tiếp tục kiểm tra, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, núi và bờ sông, để thông báo, cảnh báo kịp thời đến người dân biết và chủ động phòng tránh; sẵn sàng các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Đối với những điểm cầu, đường bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng và nguy cơ sạt lở núi trên địa bàn huyện Sơn Hà, UBND huyện cần khẩn trương tổng hợp, báo cáo cụ thể mức độ thiệt hại, phương án xử lý để tỉnh xem xét.
"Do sạt lở quá lớn nên vượt quá khả năng của các địa phương để khắc phục hậu quả. UBND tỉnh sẽ xem xét bố trí nguồn kinh phí để địa phương khắc phục những điểm sạt lở nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân và giao thông đi lại được an toàn", ông Trần Phước Hiền nói.