Sôi nổi phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023), đoàn công tác của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh (TTĐDTB) Kim Bảng (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc TTĐDTB Kim Bảng cho biết, được thành lập từ tháng 3/1976, trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho thương bệnh binh (TBB) nặng (mất sức lao động từ 81% trở lên) được điều chuyển về từ các chiến trường.
Những năm gần đây trung tâm còn tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc một số đối tượng là thân nhân người có công (vợ, con liệt sỹ, con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học), hưu trí, mất sức, viên chức và đối tượng tâm thần khác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với các chức năng, nhiệm vụ đó, những năm qua, trung tâm đã điều trị, phục hồi chức năng cho hơn 800 lượt TBB. Đã có 88 TBB nặng được về an dưỡng tại gia đình và địa phương.
Hiện tại, Trung tâm đang tổ chức điều trị, chăm sóc 110 thương binh, bệnh binh của 20 tỉnh từ Quảng Ngãi trở ra, trong đó có 75 đồng chí là thương binh, bệnh binh mất sức từ 81% trở lên. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, những năm gần đây, đời sống của thương binh, bệnh binh của Trung tâm đã được cải thiện.
Trong những năm tháng cam go của các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, lớp lớp các thế hệ thanh niên đã gác lại tuổi thanh xuân, hăng hái lên đường đi đánh giặc. Thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, cao cả đó, hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, để lại nỗi đau cho những người thân. Cùng với đó, hàng ngàn, hàng vạn thương binh, bệnh binh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường và nỗi đau khi các thế hệ sau bị di chứng chất độc da cam… Chiến tranh đã lùi xa nhưng sự mất mát ấy, nỗi đau thể chất và tinh thần ấy vẫn hàng ngày hiện hữu, dày vò những thương binh, bệnh binh.
Tri ân, tôn vinh những công lao đó, chia sẻ với sự mất mát và nỗi đau đó, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn’”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”...
Đến nay, hơn 9,2 triệu người có công chiếm khoảng 10% dân số được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng ngàn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Số người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên gần 1,2 triệu.
Hằng năm gần 106 ngàn lượt người được điều dưỡng tập trung và gần 387 ngàn lượt người điều dưỡng tại gia đình. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng.
Luôn làm việc bằng tình cảm và trách nhiệm thiêng liêng
Xác định công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, TTĐDTB Kim Bảng đã thực hiện nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, nghĩa tình, gắng sức làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hiện trung tâm có 59 cán bộ, viên chức. Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tập thể, cán bộ, nhân viên trung tâm luôn đoàn kết thống nhất, đề cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tâm huyết, tận tụy với công việc nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh, bệnh binh.
Hầu hết TBB ở trung tâm đã ở tuổi “cổ lai hy”, nhiều người sức khỏe kém, rối loạn tâm thần, lúc nhớ lúc quên, lúc vui lúc buồn, lúc đi lang thang ngoài sân…, không có khả năng tự phục vụ, phải chăm sóc thường xuyên. Đặc biệt, mỗi khi thời tiết thay đổi, “trái nắng, trở trời”, các bác lại bị vết thương hành hạ, đau nhức nhối. Tuổi càng cao bệnh tật càng nhiều, đè nặng lên vết thương của họ.
Các thương bệnh binh đang được chăm sóc tại Trung tâm. (Ảnh: Hồng Pha) |
Thấu hiểu nỗi đau của các TBB phải gánh chịu, các y, bác sĩ nơi đây đã luôn nỗ lực hoàn thiện về chuyên môn nghiệp vụ để có thể điều trị tốt nhất cho TBB ở ngay trung tâm, hạn chế thấp nhất việc phải chuyển các bác lên tuyến trên điều trị.
Để có thể điều trị hiệu quả, các y, bác sĩ đã phải luôn quan sát từng ngày, từ bữa ăn, giấc ngủ, những biểu hiện trong sinh hoạt của các TBB để có thể đoán biết và điều trị bệnh đúng phác đồ. Trung tâm đã phân thành 3 khoa điều trị theo tính chất bệnh lý. Đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc, phục vụ các TBB từ bữa ăn, giấc ngủ, viên thuốc uống hằng ngày, giữ ổn định tinh thần cho TBB, nhằm hạn chế thấp nhất việc rối loạn tâm thần.
Thường xuyên chăm sóc, phục vụ người có công, lực lượng cán bộ, nhân viên của TTĐDTB Kim Bảng hiểu rõ những mất mát, đau thương họ và gia đình phải gánh chịu. Vì thế, tất cả luôn làm việc bằng tình cảm và trách nhiệm thiêng liêng, chăm sóc, ứng xử với người có công như con, cháu đối với ông, bà, cha, chú.
Không chỉ được chăm sóc ân cần, chu đáo, các thương binh, bệnh binh còn được sống trong môi trường không khí trong lành, thoáng mát, đảm bảo sự thoải mái và rất tốt cho sức khỏe. Trung tâm có diện tích 2,9 héc ta với 3 khu nhà điều trị, an dưỡng phục vụ các bác TBB, thân nhân người có công với đất nước bị bệnh nặng. Các phòng nghỉ được trang bị đồng bộ, đầy đủ tiện nghi và được bố trí hợp lý, gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ. Mỗi căn phòng khép kín có đầy đủ điều hòa, bình nóng lạnh giúp các thương, bệnh binh thoải mái trong sinh hoạt hằng ngày.
Bên cạnh đó, cùng với việc phát huy phẩm chất và bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, bằng nghị lực, ý chí phi thường của mình, các thương binh, bệnh binh đã vươn lên chiến thắng thương tật, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn, nhưng không phế”, khắc phục khó khăn và tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, ủng hộ, giúp đỡ những thành viên có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều TBB đã có gia đình riêng hạnh phúc, nuôi dạy con cái trưởng thành, trở thành doanh nhân tiêu biểu. Điển hình như thương binh Triệu Hải (nhà ở TP. Phủ Lý).
Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Với trách nhiệm chính trị và tình cảm sâu sắc, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện nhiều chủ trương chính sách lớn đối với quân đội và hậu phương quân đội; tập trung giải quyết khối lượng lớn chính sách tồn đọng sau chiến tranh; đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Trung tướng Nguyễn Văn Gấu cho biết, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Quân đội đã chỉ đạo và phối hợp tìm kiếm gần 2.000 hài cốt liệt sĩ cả trong nước và nước ngoài; tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ đối với hàng trăm liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; ra quyết định và trợ cấp đối với hơn 44.000 đối tượng tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với số tiền trợ cấp 1 lần hơn 108 tỷ đồng; xây tặng 2.179 nhà tình nghĩa với số tiền gần 200 tỷ đồng; nhận phụng dưỡng gần 1.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp lễ, tết với số tiền hơn 970 tỷ đồng; tặng gần 600 sổ tiết kiệm; tặng trang thiết bị y tế, trang thiết bị dùng chung cho các trung tâm nuôi dưỡng thương binh với số tiền hàng chục tỷ đồng; đỡ đầu và tạo việc làm cho gần 200 cháu là con thương binh, liệt sĩ…
Theo Chỉ thị 97/CT-BQP ngày 18/7/2011 của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tuyển dụng 26 người là con đẻ của các thương binh, bệnh binh hiện đang điều dưỡng tại các Trung tâm điều dưỡng Thương binh, trong đó có TTĐDTB Kim Bảng. Hiện tại, số người được Bộ Tư lệnh tuyển dụng đang yên tâm công tác và luôn phát huy truyền thống của gia đình, hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan, đơn vị giao.
Những việc làm trên thể hiện truyền thống của quân đội cách mạng; góp phần giáo dục cán bộ, chiến sĩ, nhất là thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.