Ứng phó với ảnh hưởng nặng nề từ “khủng hoảng kép”, PVEP đặt mục tiêu tối ưu hoạt động, tiết giảm chi phí và các giải pháp tài chính nhằm ổn định dòng tiền.
Xây dựng kịch bản giá dầu 20 USD/thùng
Nhận thức được tác động kép nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sốc đến hoạt động sản xuất kinh doanh, PVEP đã phối hợp với các đối tác tìm giải pháp ứng phó cốt yếu, kịp thời, trong đó có việc tối ưu sản lượng khai thác; tiết giảm chi phí, đơn giá khai thác; điều chỉnh, giãn tiến độ đầu tư; các giải pháp tài chính đảm bảo sự tồn tại của PVEP và duy trì hoạt động của các dự án một cách tối ưu nhất.
PVEP đã xây dựng mục tiêu tiết giảm đầu tư, chi phí ở kịch bản giá dầu chỉ khoảng 20-30-40 USD/thùng. PVEP cũng thực hiện rà soát tổng thể danh mục đầu tư định kỳ làm cơ sở xếp hạng các dự án dầu khí của PVEP làm cơ sở xác định ưu tiên đầu tư, định hướng đầu tư. Đồng thời, phối hợp với đối tác là các nhà điều hành xem xét lại khả năng khoan các giếng TD,TL trong năm, nhằm tối ưu chi phí giếng khoan, đẩy mạnh tự thực hiện các nghiên cứu.
Bên cạnh đó, PVEP đã rà soát, tối ưu phương án phát triển và các hạng mục đầu tư phát triển mỏ phù hợp với tình hình hiện nay thứ tự ưu tiên. Tối ưu triển khai các hoạt động sửa chữa giếng, nâng cấp thiết bị trong giai đoạn giá dầu thấp.
Theo PVEP, quá trình vận hành, khai thác dự án, đơn vị này đã yêu cầu người đại diện, trưởng đại diện tại các dự án tích cực làm việc với nhà điều hành yêu cầu rà soát và đề xuất chương trình công tác và ngân sách hiệu chỉnh phù hợp với thực trạng giá dầu.
Trong đó, tập trung rà soát, chỉ triển khai các hạng mục thực sự cần thiết, có hiệu quả về mặt kỹ thuật; tạm thời dừng, giãn tiến độ các hạng mục chưa thực sự cấp bách. Tối ưu hóa hạng mục duy tu bảo dưỡng, kết hợp tối ưu đổi ca nhân sự, tàu bè, trực thăng; giám sát chặt chẽ tiêu hao nhiên liệu, hóa phẩm, rà soát vật tư thiết bị vận hành khai thác tồn kho, hạn chế tối đa mua sắm mới... Đẩy mạnh đàm phán giảm giá các Hợp đồng mua sắm, dịch vụ với mục tiêu giảm từ 10%-20%.
PVEP cũng phối hợp với các đối tác tối ưu nhân sự, sơ đồ tổ chức tại đơn vị, dự án phù hợp với khối lượng, yêu cầu công việc; giảm nhân sự tại bộ máy điều hành Tổng Công ty, cắt giảm chi phí quản lý của Tổng Công ty với mục tiêu tiết giảm tiết giảm tối thiểu 5% -15% từng hạng mục.
Giữ lại được hơn 5.000 tỷ đồng
Kết quả, tính tới thời điểm hiện tại, PVEP đã giữ lại được khoảng hơn 5.000 tỷ đồng, giúp ổn định dòng tiền. Cụ thể, PVEP tối ưu đầu tư (Capex) 3.595 tỷ đồng; tối ưu chi phí vận hành (Opex) 1.116 tỷ đồng; đàm phán giảm giá dịch vụ tại các dự án PVEP điều hành, ĐVTV/JOCs đến hết tháng 9/2020 được khoảng 12,19 triệu USD; đàm phán giảm lãi suất ngân hàng được 43 tỷ đồng; tiết giảm chi phí quản lý khoảng 36 tỷ đồng.
PVEP đánh giá, trong điều kiện bị ảnh hưởng bất lợi từ nhiều yếu tố khách quan, hoạt động sản xuất của PVEP vẫn được đảm bảo an toàn, liên tục, sản lượng khai thác dầu và quy dầu vượt mức kế hoạch được giao. “Việc triển khai các nhóm giải pháp ứng phó đã đạt được các kết quả bước đầu, phần nào hỗ trợ PVEP đảm bảo dòng tiền và chỉ tiêu tài chính”, đại diện PVEP cho biết.
Theo lãnh đạo đơn vị này, thời gian tới, PVEP sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể, trong đó tiếp tục đẩy mạnh tối ưu hoạt động, tiết giảm chi phí trong vận hành, khai thác cũng như các hoạt động khác nhằm đảm bảo điều kiện tài chính của PVEP ổn định trong bối cảnh hiện nay, sẵn sàng cho các mục tiêu mới năm 2021.
9 tháng đạt doanh thu 15.800 tỷ đồng
PVEP là đơn vị cốt lõi của PVN. Sản lượng khai thác của PVEP trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,88 triệu tấn quy dầu, ước đạt 101% kế hoạch 9 tháng và 76% kế hoạch năm; Tổng doanh thu ước tính 15,8 nghìn tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch 9 tháng đầu năm và đạt 53% kế hoạch năm; Lợi nhuận trước thuế ước tính 80 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước là 4,2 nghìn tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch 9 tháng đầu năm và 51% kế hoạch năm. Trong 3 tháng cuối năm, sản lượng khai thác của PVEP ước đạt 0,85 triệu tấn quy dầu. Trong đó, khai thác dầu: 0,58 triệu tấn và khí xuất: 266 triệu m3.