COVID-19 ảnh hưởng đến mọi cá nhân theo các cách khác nhau và được coi là nghiêm trọng hơn ở những người mắc bệnh nền và phụ nữ mang thai. Các cơ quan y tế, bao gồm cả Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cũng xếp phụ nữ mang thai vào nhóm nguy cơ cao bị trở nặng do COVID-19. Do đó, nếu bạn đang có kế hoạch mang thai trong bối cảnh đại dịch, có một số điều quan trọng mà bạn phải lưu ý.
Theo CDC, mặc dù rủi ro tổng thể là thấp, nhưng những người đang mang thai có nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 tăng lên so với những phụ nữ không mang thai. Họ cũng có nguy cơ sinh non (sinh con sớm hơn 37 tuần), thai chết lưu và cũng có thể tăng nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ khác. Mắc một số bệnh nền cơ bản và các yếu tố khác, bao gồm cả tuổi tác, sẽ làm nguy cơ trở nặng do COVID-19 cao hơn trong hoặc sau khi mang thai (ít nhất 42 ngày sau khi kết thúc thai kỳ).
Vì vậy, trước những rủi ro trên, phụ nữ nên đợi bao lâu mới lập kế hoạch mang thai?
Tiến sĩ Akta Bajaj, chuyên gia tư vấn cao cấp và trưởng khoa sản, Tập đoàn Bệnh viện Ujala Cygnus (Ấn Độ), nhấn mạnh “không có hướng dẫn cụ thể” nào để lập kế hoạch mang thai sau khi hồi phục COVID-19. Thông thường, 10 ngày sau hồi phục được khuyến nghị là thời gian tốt, nhưng với những biện pháp đề phòng kèm theo. Những biện pháp phòng ngừa này bao gồm tiêm vaccine đầy đủ, chờ ngày rụng trứng tiếp theo và sau đó lên kế hoạch mang thai.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Surabhi Siddhartha, bác sĩ sản phụ khoa, Bệnh viện Motherhood Kharghar, cho rằng, bệnh nhân nên đợi “tối thiểu 8 tuần” sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. “Để tình trạng nhiễm bệnh giảm dần và phát triển các kháng thể tốt, cần tối thiểu từ 6 – 8 tuần. Vì quá trình mang thai cũng đòi hỏi cơ thể người phụ nữ phải khỏe mạnh, nên điều quan trọng là họ phải cảm thấy sức khỏe của mình hoàn toàn bình phục”.
Điều quan trọng là phải tiêm phòng trước khi lập kế hoạch mang thai (Ảnh: Getty Images/Thinkstock)
Khi nào là thời điểm thích hợp và an toàn để thụ thai?
Theo các bác sĩ sản phụ khoa của Đại học Hoàng gia Vương quốc Anh, việc mang thai trong đại dịch là một sự lựa chọn cá nhân. Tiêm phòng trước khi mang thai sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 và những hậu quả nghiêm trọng của nó.
“Không ai có thể dự đoán chắc chắn khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Vì vậy, một khi bệnh nhân đã khỏi các triệu chứng, họ có thể lên kế hoạch mang thai”, Tiến sĩ Sethi, bác sĩ phụ khoa, khẳng định.
Theo CDC, tiêm chủng ngừa COVID-19 được khuyến cáo cho những người đang mang thai, đang cho con bú, đang cố gắng mang thai hoặc có thể có thai trong tương lai. Ngoài ra, họ cũng nên tiêm nhắc lại nếu đủ điều kiện.
Vaccine có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc thai nhi không?
Những phụ nữ đang cố gắng thụ thai có thể được tiêm vaccine COVID-19. Không có lý do gì để trì hoãn việc mang thai sau khi hoàn thành tiêm chủng, theo Hopkinsmedicine.org.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù vaccine không phải là sự phòng ngừa có đầy đủ bằng chứng, nhưng chúng chắc chắn làm giảm nguy cơ lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của bệnh và các biến chứng.
Tiến sĩ Sethi cho biết: “Tiêm vaccine COVID-19 cũng không ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch mang thai. Nếu phụ nữ có thai sau liều tiêm đầu tiên, họ nên tiêm liều thứ 2 theo lịch trình. Điều quan trọng là phụ nữ nên nhận thức được rằng vaccine không có khả năng gây hại cho sức khỏe của họ hoặc thai nhi. Nguy cơ bị nhiễm COVID-19 khi mang thai là giống với dân số chung, song mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ cao hơn”.