Đầu tư dùng chung, hiệu quả, không chồng chéo
Sau khi nghe báo cáo, giới thiệu về chức năng, hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Trung tâm), lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thảo luận, đề xuất các giải pháp, phương án xây dựng hạ tầng, hệ thống truyền dẫn, đầu tư trang thiết bị để chống chịu với cấp độ thiên tai ngày càng nghiêm trọng cũng như các tình huống khẩn cấp.
Từ diễn biến của cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm thông tin xuyên suốt trong mọi tình huống thiên tai, khẩn cấp, bất khả kháng như trong cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, đặc biệt là kết nối đến thực địa, hiện trường, tổng hợp và cung cấp theo thời gian thực dữ liệu quan trắc, quan sát, lập mô hình mô phỏng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành… Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp bảo đảm hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành bền vững, thống nhất, tập trung, chia sẻ từ Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ đến các địa phương.
Phó Thủ tướng giao các cơ quan có chức năng dự báo, cảnh báo, giám sát như khí tượng thủy văn, đê điều, hồ chứa… rà soát, đề xuất dự án đầu tư, ứng dụng công nghệ, phần mềm trí tuệ nhân tạo để phân tích, xây dựng các mô hình mô phỏng phục vụ công tác chỉ đạo, ra quyết định.
Về hạ tầng kỹ thuật, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành rà soát đề xuất dự án đầu tư, nâng cấp trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, viễn thông… đồng bộ với hạ tầng năng lượng, đường truyền viễn thông để có thể chống chịu được với siêu bão, các hiện tượng thiên tai ngày càng cực đoan hoặc những tình huống bất khả kháng, khẩn cấp; nghiên cứu, ban hành quy chuẩn mới về hạ tầng viễn thông, năng lượng, giao thông…; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ, lực lượng của địa phương trong dự báo, quan trắc, giám sát, cung cấp thông tin, cảnh báo nguy cơ thiên tai như sạt lở, lũ quét.
Phó Thủ tướng lưu ý, VNPT, Viettel phối hợp nghiên cứu, đề xuất tổng thể về thiết kế hệ thống thông tin, đường truyền viễn thông trước mắt và lâu dài, trong điều kiện thiên tai cực đoan, vượt quá khả năng chống chịu, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối thông suốt. Các Bộ, ngành, cơ quan phải rà soát, làm rõ dự án đầu tư dùng chung, đầu tư chuyên ngành, sử dụng nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm hiệu quả, không chồng chéo.
Khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn Luật Phòng thủ dân sự
Về tình hình triển khai Luật Phòng thủ dân sự (PTDS), đến nay, các Bộ, ngành đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật liên quan đến PTDS để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới; tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nội dung Luật PTDS… Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PTDS, đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.
Lắng nghe các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, trong quá trình kiện toàn Ban Chỉ đạo PTDS quốc gia, các Bộ, ngành rà soát, chuyển giao nhiệm vụ được giao trong Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kèm theo cơ chế tài chính cho các cục, vụ chuyên môn tiếp tục thực hiện. Bộ Quốc phòng khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành quyết định tổ chức lại Ban Chỉ đạo PTDS quốc gia và Quy chế hoạt động theo hướng tinh gọn tổ chức, nhưng kế thừa, không thay đổi các nhiệm vụ cần thiết để phục vụ phòng, chống thiên tai, ứng phó tình huống khẩn cấp.
Đối với dự thảo Nghị định, Bộ Quốc phòng bám sát, cụ thể hóa các nội dung trong Luật giao Chính phủ quy định như tiêu chí xác định các cấp độ của từng loại hình PTDS, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; phạm vi hoạt động của quỹ PTDS và quỹ phòng, chống thiên tai, nhiệm vụ chi quản lý chuyên ngành... Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự án tổng thể tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực, của hoạt động PTDS trong bối cảnh, tình hình mới.