Giải Cánh diều năm nay chỉ có 12 bộ phim truyện điện ảnh “chinh chiến” nhưng có tới 10 bộ phim của các hãng phim tư nhân, đủ thấy không khí sôi động, tìm kiếm sự bứt phá của điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều bộ phim không mấy xa lạ với công chúng bởi đã đoạt giải Bông sen Vàng, Bạc trước đó. Vậy lễ trao Giải Cánh diều 2012 có bị nhàm chán?
Ban giám khảo… ẩn danh
12 bộ phim truyện điện ảnh “thi đấu” từ dòng phim nghệ thuật, chính thống như: “Tâm hồn mẹ”, “Mùi cỏ cháy”; phim thị trường, phim hài như “Hotboy nổi loạn”, “Hello cô ba”, “Lệ phí tình yêu”, “Vũ điệu đường cong”; “Sài gòn Yo”, phim hành động, võ thuật, xã hội đen như “Lệnh xóa sổ”, “Long ruồi”; cho tới phim thuộc những trào lưu mới của thế giới “Đó… hay đây?” đến phim kinh dị : “Lời nguyền huyết ngải”, “Ngôi nhà trong hẻm”.
Có thể thấy, rất nhiều dòng phim “đổ bộ” ào ạt vào Cánh diều 2012 đủ làm cho ban giám khảo đau đầu khi chọn lựa. Nếu như các năm khác, ban giám khảo thường công khai danh tính thì năm nay, hàng chục thành viên ấy đều không “lộ diện”, chỉ có trưởng ban giám khảo được nêu tên.
Theo ban tổ chức thì việc ẩn danh ấy nhằm giúp cho các thành viên ban giám khảo không bị phiền nhiều bởi các cuộc điện thoại từ bên ngoài cũng như có thể tập trung vào việc “cân, đo, đong, đếm” chất lượng các bộ phim. Họ sẽ làm việc trên tinh thần đề cao trách nhiệm và sự công tâm, không để kết quả thẩm định tác phẩm bị sai lệnh bởi bất cứ tác động nào. Các thành viên không được tiết lộ thông tin về quá trình bàn bạc, thảo luận khi đánh giá các phim dự giải, cũng như kết quả chấm giải trước khi Ban tổ chức công bố tại lễ trao giải.
Dù đến phút chót “Ngôi nhà trong hẻm” mới chính thức đăng kí tham dự giải Cánh Diều Vàng, nhưng lại là ứng cử viên nặng kí của giải này… Một số nhà phê bình phim đã có ý kiến rằng kịch bản phim “Ngôi nhà trong hẻm” chưa được hoàn hảo, hơi đơn giản và có nhiều điểm không hợp lý. Thế rồi, đạo diễn Lê Văn Kiệt đã phản ứng rằng kịch bản phim phù hợp với những phim kinh dị nổi tiếng khác trên thế giới. Một sự khẳng định đầy tự tin của đạo diễn là điều có thể gây bàn cãi nhiều.
Tuy nhiên, nhìn chung nếu là người trong nghề thì khó có thể chê Lê Văn Kiệt qua cách làm phim của anh thể hiện qua những góc quay, những khung hình đặc tả … Không gian âm u không khiên cưỡng, không trượt khỏi đường dây cốt truyện tạo nên không khí căng thẳng.
Có thể nói đây là những gặt hái tốt nhất của phim, và tất cả đều do đạo diễn Lê Văn Kiệt tạo nên. Khi xem phim khiến khán giả liên tưởng đến bộ phim kinh dị nổi tiếng Paranormal activities, có tác dụng dự báo những bất ổn và mối đe dọa vô hình, góp phần tăng cảm giác hồi hộp. Có thế nói, “Ngôi nhà trong hẻm” đã đưa đạo diễn Lê Văn Kiệt vào hàng ngũ chung với Victor Vũ và Charlie Nguyễn - là những nhà đạo diễn Việt kiều đã thành công trên diễn đàn điện ảnh Việt Nam.
“Ẩn số” nghệ sĩ trẻ được tôn vinh
Ngoài 12 bộ phim trên, Cánh diều vàng còn có sự góp mặt của 19 phim truyền truyền hình; 37 phim ngắn, 11 phim hoạt hình, 41 phim tài liệu và 10 phim khoa học. Trước câu hỏi, liệu lễ trao Giải cánh diều 2012 có bị nhàm chán, có bị “na ná” như lễ trao giải Liên hoan phim trước đó ít lâu, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng ban tổ chức lễ trao giải Cánh diều vàng 2012 cho hay “Liên hoan phim vừa qua đã quan tâm đến việc tôn vinh nghệ sỹ nhưng ngoài các nghệ sỹ tên tuổi thì lại vinh danh tất cả các nghệ sỹ có mặt. Vô hình chung, không tạo được ấn tượng gì đặc biệt.”
Để tạo sự khác biệt trong tổ chức, ngoài việc tôn vinh “hai cây đại thụ” của nền điện ảnh Việt Nam, NSND Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh, lễ trao giải Cánh diều năm nay sẽ có thêm phần tôn vinh nghệ sĩ trẻ. Bởi “người già có thành tựu, nhưng người trẻ mới làm sôi động, mới chính là người đang làm nên diện mạo nền điện ảnh phát triển như tiêu chí giải thưởng là đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”. Tuy nhiên, nghệ sỹ trẻ ấy là ai thì vẫn đang là “ẩn số” đối với công chúng.
Lễ trao giải Cánh diều vàng 2012 sẽ được tổ chức vào tối 17/3 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội và được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV2.
Trình chiếu phim hay tại 63 tỉnh thành Bên cạnh Lễ trao giải Cánh Diều vàng, ngành điện ảnh còn có các hoạt động kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam 15/3/2012 như trình chiếu các bộ phim hay tại 63 tỉnh thành. Tại Hà Nội, trình chiếu phim miễn phí tới khán giả Thủ đô 12 phim truyện điện ản dự Giải Cánh diều 2011 tại rạp Thánh Tám, Trung tâm chiếu phim quốc gia và CLB Hội Điện ảnh từ 9/3-15/3/2012; tổ chức hội thảo “Một thập kỷ Điện ảnh Việt Nam- Nhìn nhận và đánh giá” vào ngày 8/3/2012. |
Dạ Hương