Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội (QH) đánh giá cao dự thảo Luật đã thể hiện đúng tinh thần tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư và tạo các nguồn lực cho Thủ đô phát triển xứng tầm.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) đồng tình việc luật hóa, bổ sung, làm rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát quy định tại Điều 25 dự thảo Luật. Theo Đại biểu, quy định như vậy là cần thiết nhằm tạo lập cơ sở pháp lý phát huy vai trò tiên phong của Thủ đô trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu Tạ Đình Thi đánh giá, so với dự thảo Luật do Chính phủ trình, dự thảo Luật lần này đã chỉnh lý các quy định về những vấn đề cốt yếu như khái niệm thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao; các giới hạn thử nghiệm về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng tham gia thử nghiệm; điều kiện và các nguyên tắc để được cấp phép và thực hiện thử nghiệm có kiểm soát; quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức tham gia thực hiện thử nghiệm…
Để hoàn thiện dự thảo Luật, Đại biểu đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý quy định về phạm vi đối tượng được thử nghiệm cho phù hợp.
“Cần cân nhắc kỹ hơn quy định giới hạn về các lĩnh vực được phép thử nghiệm theo cách liệt kê cụ thể trong dự thảo Luật và về không gian thử nghiệm. Thực tế phát triển như hiện nay của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quy định như vậy sẽ nhanh chóng bị lạc hậu”, Đại biểu nhận định.
Về quy định HĐND có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của QH, văn bản của Chính phủ, các bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm, phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm, Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của HĐND, UBND TP Hà Nội trong việc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền liên quan về kết quả và quá trình thực hiện.
Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) cũng đồng tình cao với các quy định về chính sách vượt trội trong dự thảo Luật nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn TP Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời hoàn thiện các biện pháp đặc thù để khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển bền vững và có bước đột phá sau khi được chuyển giao về UBND TP Hà Nội quản lý, tương xứng với vị trí, vai trò.
Đại biểu bày tỏ tán thành với việc bổ sung, hoàn thiện các quy định mang tính đột phá, vượt trội của dự thảo Luật tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 giúp cho khu công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều hơn nữa cơ hội, lợi thế để phát triển.
Trong đó, nổi bật là hai nhóm giải pháp chính sách về quy định vượt trội bố trí vốn ngân sách của TP Hà Nội hỗ trợ khu công nghệ cao Hòa Lạc nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và nhóm các quy định về vị trí pháp lý về Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc và các quy định về phân quyền của TP cho Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc trực tiếp thực hiện một số thẩm quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng…
Đồng thời, Đại biểu Lý Thị Lan cho rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại khu công nghệ cao Hòa Lạc và về thẩm quyền quản lý đất đai của Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đồng quan điểm, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, không thể áp dụng các cơ chế quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc như cơ chế quản lý với các khu công nghiệp đang được xây dựng tại Luật Đất đai (sửa đổi) mà cần đưa ra cơ chế riêng cho khu công nghệ cao này trong dự thảo Luật.
Một số ý kiến lưu ý rà soát các quy định tại dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ với hai văn kiện rất quan trọng là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mà Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, cho ý kiến ngay tại Kỳ họp này.