Việc đề ra giải pháp cần dựa trên bằng chứng khoa học, kinh nghiệm quốc tế cũng như cân nhắc lợi ích kinh tế, sức khỏe cộng đồng… Theo đó, để có cơ sở khoa học toàn diện, cần tận dụng năng lực nghiên cứu của cả các viện nghiên cứu chuyên ngành, hiệp hội y học, trường đại học trong nước… như các quốc gia đi trước.
Nghiên cứu trong nước về thuốc lá mới nên lưu ý
Đề cập vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, cần nghiên cứu, so sánh mức độ độc hại của thuốc lá mới so với thuốc lá truyền thống. Đồng thời, cần đánh giá cụ thể thuốc lá mới tác động đến việc tăng - giảm số người sử dụng thuốc lá truyền thống như thế nào.
Về mặt kỹ thuật, ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng công nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (VSQI), Ủy ban Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, từ năm 2020, cơ quan này đã nghiên cứu và công bố 3 tiêu chuẩn quốc gia đối với thuốc lá nung nóng (TLNN).
3 tiêu chuẩn quốc gia về TLLN do VSQI, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Ảnh: VSQI |
Về tính độc hại, nghiên cứu từ nhóm chuyên gia y học gia đình thuộc Trường Đại học Y Hà Nội, công bố trên tạp chí Nghiên cứu Y học tháng 7/2024, cũng cung cấp những bằng chứng mà các cơ quan chức năng nên xem xét.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác với quy mô toàn cầu: “Ảnh hưởng của việc cai thuốc lá điếu lên các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường” công bố tháng 5/2024 trên trang ScienceDirect cũng có những thông tin đáng lưu ý.
Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia y học gia đình thuộc Trường Đại học Y Hà Nội, công bố trên tạp chí Nghiên cứu Y học tháng 7/2024. |
Các cơ quan chức năng có thể tham khảo và đưa ra quyết sách trình Chính phủ dựa trên các dữ liệu trên khi mà các căn cứ này đã được các cơ quan chuyên môn, chuyên gia trong nước tham gia nghiên cứu, đánh giá dựa trên công bố từ những tổ chức y tế uy tín như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và nhiều công trình nghiên cứu quốc tế.
Tham khảo các đánh giá ảnh hưởng của thuốc lá mới
Nghiên cứu khoa học trong y tế công cộng để đánh giá tình hình sử dụng, tác động của các loại thuốc lá mới là hướng tiếp cận phổ biến tại nhiều nước. Điển hình, FDA Hoa Kỳ đã đưa ra quy định về TLNN, thuốc lá điện tử (TLĐT) dựa trên các căn cứ khoa học do FDA và CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) cung cấp. Theo báo cáo ngày 5/9/2024 của CDC, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở học sinh trung học từ mức cao nhất là 27,7% vào năm 2019 đã giảm xuống 7,7% vào năm 2023 và hiện chỉ còn 5,9%. Đồng thời, báo cáo ngày 17/9/2024 của CDC cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở giới trẻ cũng đã giảm xuống dưới 2%. Riêng TLNN là sản phẩm ít được giới trẻ Hoa Kỳ sử dụng nhất, với tỷ lệ chỉ dưới 1%.
Các cơ quan y tế thuộc Chính phủ của nhiều quốc gia thực hiện nghiên cứu độc lập về mức độ tác hại của thuốc lá mới. |
Tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành của các viện nghiên cứu, trường đại học, hội chuyên ngành, các cơ quan có chuyên môn về y tế công cộng, y học dự phòng… sẽ là các nguồn lực cần thiết đáp ứng cho nhu cầu nghiên cứu. Thực tế đã chứng minh, các chuyên gia trong lĩnh vực y học cộng đồng của nước ta đã đóng góp đắc lực giúp Chính phủ hoạch định các chính sách về y tế như phòng chống dịch SARS, cúm H5N1 hay gần đây là đại dịch COVID-19.
Bên cạnh chuyên môn, lợi ích về thời gian và chi phí cũng là yếu tố quan trọng đáp ứng cho nhu cầu cấp thiết quản lý nhưng phải trên cơ sở hiện nay. Các cơ sở nghiên cứu thuộc chuyên môn của y tế công cộng có thể tiến hành thống kê, tổng hợp các đánh giá, các nghiên cứu khoa học đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới hoặc lựa chọn từ các quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội, có các yếu tố văn hóa, nhân chủng học tương đồng với Việt Nam.
Đến nay, Chính phủ và Quốc hội đang chờ đợi sự thống nhất và đệ trình từ các Bộ, ngành về quyết sách với thuốc lá mới. Để làm điều này cần có kết luận toàn diện, cần dựa trên bằng chứng khoa học, kỹ thuật sản phẩm và kinh nghiệm quốc tế.
Nghiên cứu, thống kê và dự báo tác động là thiết yếu, đòi hỏi sự tham gia của các nhà khoa học và tổ chức y tế trong nước. Các nghiên cứu này không chỉ cung cấp dữ liệu dựa trên thực tiễn nhằm cung cấp hiệu quả cho việc hoạch định chính sách tiệm cận với thực tế, tránh dựa trên sự giả định, cảm tính.