Ngày 20/7, Công an Bình Thuận cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh này đã khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can để điều tra về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.
6 bị can bị khởi tố gồm: Phạm Thị Ngọc Hậu (SN 1994, trú tại quận 10, TP HCM), Lê Thị Bích Hương (SN 1988, trú tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), Trần Thị Thu Thùy (SN 1993, trú tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), Phạm Ngọc Thạch (SN 1992, trú tại phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TP HCM), Vũ Hoài Thanh (SN 1997, trú tại quận Bình Tân, TP HCM) và WU YANQIONG (SN 1983, quốc tịch Trung Quốc, trú tại quận 6, TP HCM).
Các văn bằng, chứng chỉ giả do cơ quan công an thu giữ |
Bước đầu, cơ quan công an đã thu giữ 19 giấy khám sức khỏe, 58 phiếu lý lịch tư pháp, 56 giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc giả nhằm mục đích xin cấp giấy phép lao động cho người Trung Quốc làm việc tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Qua đó, các bị can đã thu lợi bất chính số tiền hơn 452 triệu đồng. Hiện Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục đấu tranh, mở rộng vụ án, đồng thời củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Theo Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Bình Thuận qua công tác theo dõi, thống kê, đơn vị này đánh giá tình hình tội phạm làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức xảy ra ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra Công an các tỉnh, thành phố điều tra, làm rõ 20 vụ án, với trên 150 đối tượng có liên quan đến hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; thu giữ một lượng lớn, phôi văn bằng, chứng chỉ giả (căn cước công dân, giấy phép lái xe, giấy khám sức khoẻ, các loại chứng chỉ…) cùng nhiều loại nhiều máy móc thiết bị phục vụ việc làm giả tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Trong đó, có nhiều có vụ án liên quan nhiều đối tượng có hộ khẩu thường trú tại Bình Thuận.
Cơ quan An ninh điều tra xác định một số nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh loại tội phạm này, gồm: Lợi nhuận từ việc làm giả con dấu, tài liệu quá cao; việc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật (lừa đảo, vay vốn…) có thể đem lại số tiền lớn khiến các đối tượng bất chấp thực hiện…
Việc làm giả các loại giấy tờ, con dấu, tài liệu… được thực hiện dễ dàng, tinh vi (thông qua lợi dụng các tính năng của không gian mạng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, thành tựu khoa học công nghệ và sự lỏng lẻo của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý các loại phôi giấy tờ, bằng cấp); đồng thời, rất khó để phát hiện giả bằng mắt thường, thậm chí là những người thường xuyên giao dịch với các con dấu, tài liệu, dẫn đến phát sinh tâm lý quyết tâm thực hiện, không từ bỏ hành vi phạm tội.
Trên thực tế, việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả gây thiệt hại rất lớn, nhất là đối với các giao dịch mua bán nhà, đất, vay vốn tín dụng… ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức và quyền lợi, đời sống của người dân.
Để góp phần ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không ham cái lợi trước mắt, biết “nói không” với việc mua bán, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả, tránh tiếp tay cho tội phạm hoạt động; đồng thời, đề cao cảnh giác trong các giao dịch liên quan đến các loại giấy tờ, tài liệu; cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin trên mạng xã hội và cho người khác; khi phát hiện có hành vi sử dụng, mua bán giấy tờ, tài liệu giả cần thông báo ngay cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Thuận hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.