Vấn đề phân công chấp hành viên tổ chức thi hành án được quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS); Điều 8 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
Theo quy định tại Điều 36 Luật THADS, Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành… Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, chấp hành viên phải tiến hành lập hồ sơ thi hành án (khoản 1 Điều 8 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
Về nguyên tắc phân công chấp hành viên, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về nguyên tắc phân công chấp hành viên tổ chức thi hành án nên việc áp dụng ở nhiều cơ quan thi hành án còn khác nhau, có nơi phân công chấp hành viên phụ trách theo địa bàn (phường, xã), có nơi thì phân công theo vụ việc, có nơi thì phân công theo từng loại án, án chủ động thì phân công theo địa bàn, còn án theo đơn yêu cầu lại phân công theo vụ việc... Trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính và đạt hiệu quả quản lý, điều hành, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác này.
Về việc ra quyết định phân công chấp hành viên: Trong thực tiễn thực hiện cũng chưa thống nhất. Có cơ quan THADS phân công chấp hành viên bằng quyết định phân công chấp hành viên riêng biệt, có cơ quan lại thực hiện việc phân công chấp hành viên ngay trong quyết định thi hành án.
Có quan điểm cho rằng thủ trưởng cơ quan THADS cần ra quyết định phân công chấp hành viên theo một quyết định riêng. Việc này sẽ thể hiện cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của chấp hành viên và cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đương sự khi thực hiện quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên theo quy định tại Điều 7, Điều 7a Luật THADS. Quyết định phân công này là một loại quyết định hành chính nội bộ, khác với quyết định thi hành án.
Quan điểm khác lại cho rằng: Nên phân công chấp hành viên ngay trong quyết định thi hành án, bởi vì hiện nay số lượng việc thi hành án phát sinh ngày càng nhiều, thực tiễn nhu cầu công tác của ngành THADS thường xuyên có sự luân chuyển, điều động chấp hành viên từ địa phương này đến địa phương khác. Việc ra thêm quyết định phân công chấp hành viên sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết, gây lãng phí thời gian, công sức và chi phí.
Về vấn đề ghi tên chấp hành viên trong quyết định thi hành án: Có địa phương ghi tên chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành vào Điều 2 của Quyết định thi hành án; có địa phương giữ nguyên câu chữ “chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án…” theo biểu mẫu quyết định thi hành án được quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp quy định về biểu mẫu Quyết định thi hành án (Thông tư số 01/2016/TT-BTP).
Về vấn đề này, theo biểu mẫu quyết định thi hành án (mẫu số B 01a-THADS và B 01-THADS ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP) thì tại Điều 2 của quyết định chỉ nêu: “Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án có trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này.” mà không nêu cụ thể chấp hành viên nào được phân công. Do đó cũng không cần ghi tên chấp hành viên trong Quyết định thi hành án. Mặt khác, việc ghi tên như trên cũng có bất lợi khi thay đổi chấp hành viên phụ trách vụ việc vì liên quan đến nội dung của quyết định thi hành án, đồng thời có thể có các hệ quả pháp lý khác phát sinh khi ghi cụ thể tên chấp hành viên vào quyết định thi hành án.
Do thực tiễn còn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề phân công chấp hành viên nên việc bổ sung các quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này là rất cần thiết.