Luật sư cần được tạo điều kiện để tham gia tố tụng. |
Ngày 18/9 vừa qua, CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Bằng Phi về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khi được tin ông Phi bị bắt tạm giam để điều tra, bà Hoàng Thị Hằng, mẹ của bị can đã có đơn đề nghị Văn phòng Luật sư Trí Việt cử luật sư tham gia tố tụng, bào chữa cho ông Phi ngay từ giai đoạn điều tra.
Theo Luật sư Trần Việt Hùng, ngày 20/9, Văn phòng Luật sư Trí Việt đã nộp hồ sơ tham gia tố tụng của luật sư tại CQĐT với các giấy tờ cần thiết như: đơn mời luật sư của bà Hằng, giấy giới thiệu, các giấy tờ chứng minh tư cách của luật sư bào chữa theo quy định của pháp luật. Theo luật định, trong 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của luật sư, CQĐT phải cấp giấy chứng nhận để luật sư tham gia tố tụng. Tuy nhiên, mãi đến ngày 3/10, CQĐT mới có văn bản trả lời VPLS Trí Việt, với nội dung từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Hùng.
Luật sư Hùng đề nghị điều tra viên giải thích rõ lý do của việc từ chối cấp thì nhận được giải thích của một điều tra viên là hồ sơ của ông thiếu hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng. Điều tra viên này còn yêu cầu luật sư phải cung cấp hợp đồng dịch vụ pháp lý với nội dung ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là phải ghi rõ.. số tiền thù lao.
Không chỉ vậy, ngày 29/9/2011, CQĐT còn có văn bản gửi VPLS Trí Việt, khẳng định rõ lý do mà CQĐT “đòi” hợp đồng dịch vụ pháp lý của VPLS với khách hàng là căn cứ Điều 26 Luật Luật sư và Điều 56, Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu không có hợp đồng trên thì chưa đủ căn cứ để cho luật sư tham gia bào chữa.
Cách đây nhiều năm, việc CQĐT đòi luật sư phải xuất trình hợp đồng dịch vụ pháp lý đã “rộ” lên như một kiểu gây khó dễ cho luật sư trong quá trình tham gia tố tụng. Yêu cầu vô lý này sau đó đã được các cơ quan tố tụng, gồm CQĐT, VKS và Tòa án "xóa xổ". Song không hiểu sao CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh lại đưa ra yêu cầu vô lý này. CQĐT này không hiểu hay cố tình làm khó luật sư?.
Cơ quan điều tra đã hiểu sai pháp luật
Trong khi việc cấp giấy chứng nhận bào chữa ở tòa rất “thông thoáng” thì CQĐT lại đưa ra nhiều lý do để làm khó luật sư. Yêu cầu trên của CQĐT Bắc Ninh bất hợp lý ở điểm nào, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Ngô Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm ĐLS Hà Giang về vấn đề này.
Xin Luật sư cho biết việc đòi hỏi phải có hợp đồng dịch vụ pháp lý và công khai thù lao mới cho tham gia tố tụng như trên có đúng pháp luật không?
- Đây là yêu cầu không hợp lý và không đúng pháp luật. Trước đây, khi chưa có Luật Luật sư năm 2006, các luật sư cũng đã bị cơ quan tố tụng yêu cầu như vậy. Song do các luật sư đã giải thích và bản thân các cơ quan tiến hành tố tụng cũng nhận thấy đó là yêu cầu không chính đáng nên không đòi hỏi hợp đồng dịch vụ pháp lý mới cấp giấy chứng nhận bào chữa.
Thù lao là thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng mà họ có quyền giữ bí mật, không công khai với các tổ chức, cá nhân khác, trừ cơ quan thuế hoặc các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động luật sư. Vì thế, CQĐT đưa ra yêu cầu như trên là không đúng pháp luật.
Vậy khi tham gia tố tụng, luật sư phải xuất trình giấy tờ gì với CQĐT, thưa ông?
- Theo Điều 27 Luật Luật sư thì khi đề nghị CQĐT hay Tòa án cấp giấy chứng nhận bào chữa, luật sư chỉ cần cung cấp giấy mời luật sư, thẻ luật sư và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư. Trường hợp này, CQĐT viện dẫn Điều 26 Luật Luật sư để đòi luật sư phải cung cấp hợp đồng dịch vụ là hiểu và trích dẫn sai điều luật. Xin cảm ơn ông!
Điều 27- Luật Luật sư
2. Luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự hoặc giấy chứng nhận người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư) khi xuất trình đủ giấy tờ thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Thẻ luật sư, giấy yêu cầu luật sư của khách hàng và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư hoặc của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề đối với trường hợp luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư |
Xuân Bính