Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Điểm thay đổi cơ bản là bỏ tên 3 loại độc dược dùng để thi hành án đã được nêu ra trước đây gồm: thuốc gây mê (Sodium thiopental), thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp (Pancuronium bromide), thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim (Potassium chloride).
Từ tháng 1/2012, Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa nhưng đến nay, trường hợp này vẫn chưa được thi hành án. |
Hơn 530 tử tù chờ thi hành án
Nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, khi giúp Chính phủ xây dựng Nghị định 82, Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã không lường trước việc nêu quá chi tiết các loại thuốc trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho quá trình thực hiện. Ba loại thuốc độc này đều phải nhập khẩu chứ trong nước chưa sản xuất được.
Một chuyên gia trong lĩnh vực dược (tham gia đóng góp ý kiến cho việc sản xuất thuốc để thi hành án tử hình - PV) cho biết, hiện nhiều quốc gia không gọi các dược phẩm nêu trong Nghị định 82 là thuốc độc vì nếu sử dụng với liều lượng vừa đủ thì có tác dụng chữa bệnh và chỉ khi quá liều mới thành độc dược. Chính vì thế, khi biết Việt Nam nhập các loại độc dược này để thi hành án tử hình, nhiều nước ở châu Âu và châu Á đã phản đối.
Báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu năm 2013, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, việc không nhập được thuốc tử hình đã khiến hơn 530 tử tù phải chờ thi hành án, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của những người liên quan và gia tăng áp lực cho các cơ sở giam giữ.
Theo Nghị định 47, Bộ Y tế có trách nhiệm bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để thi hành án tử hình theo dự trù hằng năm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Ba loại thuốc mới sẽ được sử dụng để thi hành án tử hình từ ngày 27/6 gồm: thuốc làm mất trí giác, thuốc làm tê liệt hệ vận động và thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
“Ba loại thuốc này Việt Nam có thể tự sản xuất và Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý dược thực hiện việc này”, một chuyên gia trong lĩnh vực dược cho biết nhưng từ chối bình luận việc có thể thi hành án tử hình bằng tiêm độc dược từ ngày 27/6 hay không.
Chỉ còn chờ độc dược
Thống kê cho thấy mỗi năm, phạm nhân bị thi hành án tử hình tăng khoảng 80 -100 người. Chính vì vậy, nếu tiếp tục chậm trễ trong việc cung ứng thuốc, số trường hợp phải chờ thi hành án sẽ tăng lên rất nhanh. Đến nay, việc xây dựng, lắp đặt thiết bị tại 5 nhà thi hành án tử hình ở các trại giam thuộc ngành công an Hà Nội, TPHCM, Sơn La, Nghệ An và Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thành; công tác đào tạo, tập huấn cho các chiến sĩ thi hành án cũng đã hoàn tất.
Theo quy định, nhà thi hành án sẽ có giường nằm cố định người bị thi hành án, ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động; máy kiểm tra nhịp đập của tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án… Thuốc thi hành án tử hình phải được hội đồng thi hành án kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định.
Bài học về soạn thảo nghị định Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, Luật Thi hành án hình sự đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 nhưng đến nay vẫn tồn đọng hàng trăm tử tù chưa bị thi hành án rõ ràng là có lỗi không nhỏ của nhiều cơ quan, trong đó có Bộ Công an và Bộ Y tế. “Khi triển khai luật, Chính phủ đã giao Bộ Công an và Bộ Y tế tìm hiểu việc thi hành án tử hình cũng như nguồn thuốc phục vụ việc này. Vậy mà khi Nghị định 82 ban hành rồi mới phát hiện không thể nhập được các loại thuốc đó thì thật là khó hiểu và đã gây ra không ít tổn thất về nhiều mặt. Thêm một bài học cho các bộ, ngành trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”, ông Hậu nhận định. |
Theo Người lao động