Vượt khó đồng hành cùng đất nước
Qua gần nửa thế kỷ, Petrovietnam (PVN) đã đi từ “không” đến “có”, làm chủ được công nghệ, khoa học tiên tiến nhất, xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ.
Theo PVN, năm 1986, năm mở đầu cho một thời kỳ lịch sử của đất nước cũng là năm ngành Dầu khí đánh dấu mốc son cho sự đổi thay khi mỏ dầu Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam đã cho ra đời những tấn dầu thô thương mại đầu tiên.
Đồng hành đất nước trong công cuộc đổi mới, ngành Dầu khí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Qua đó góp phần đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng khủng hoảng và kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở thềm lục địa cũng đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Tính từ năm 1986 đến hết năm 2022, tổng doanh thu của PVN đạt trên 400 tỉ USD. Trong giai đoạn 2006 - 2015, PVN đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước, 18 - 25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường và mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, PVN vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5 - 6%), 10 - 13% GDP cả nước.
Trong dòng chảy của lịch sử, sẽ không thể tránh khỏi được những thăng trầm, trong đó giai đoạn từ năm 2019 đến nay là thời kỳ PVN phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí. Công nghiệp dầu khí thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khiến giá dầu giảm xuống mức thấp kéo dài, cá biệt có thời điểm giá dầu xuống mức âm (-37 USD/thùng) vào cuối năm 2019. Tình hình Biển Đông phức tạp, chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của PVN. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về dầu khí, các chính sách hỗ trợ ngành Dầu khí bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập, thiếu thống nhất...
Mặc dù vậy, với tinh thần cầu thị, bản lĩnh kiên cường, đoàn kết và ý chí vượt qua khó khăn, ngành Dầu khí đã luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Định hướng phát triển năng lượng tái tạo
Tại Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định, PVN có đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Vai trò quan trọng ấy thể hiện qua các dự án nhiệt điện trọng điểm mà PVN mới đưa vào vận hành như NMNĐ Sông Hậu 1, NMNĐ Thái Bình 2. Bảo đảm 1 trong 5 cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành những nước đứng đầu ASEAN trong cung cấp nguồn điện, phục vụ đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.
Trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao, nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, thì việc xây dựng và quản trị chuỗi liên kết trong ngành Dầu khí càng có ý nghĩa trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Nhà máy lọc dầu Dung Quất dưới sự phối hợp hỗ trợ của các đơn vị từ khâu đầu đến khâu cuối thuộc PVN luôn bảo đảm được cung cấp đủ dầu thô để vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả ở mức 100 - 110% công suất, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, ban lãnh đạo PVN đã sớm đề ra định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) trong chiến lược phát triển dài hạn. PVN đã và đang từng bước chuẩn bị nguồn lực, xác định mô hình đầu tư, sẵn sàng tạo đà cho việc mở rộng sang lĩnh vực NLTT một cách phù hợp, hiệu quả, trên cơ sở tận dụng thế mạnh của PVN và các đơn vị thành viên, kết hợp với chiến lược phát triển ngành Dầu khí.
Sau 48 năm kể từ khi thành lập, PVN đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh có tổng tài sản hợp nhất gần 43 tỉ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất 22,5 tỉ USD, giai đoạn 2016 - 2022 tổng tài sản tăng 3,9%, với đội ngũ hơn 50.000 người đang lao động trên các lĩnh vực của chuỗi giá trị dầu khí.