Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/3 nói rằng tầng lớp trung lưu sẽ là những người ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc cắt giảm ngân sách và rằng quan điểm của đảng Cộng hòa về hệ thống thuế chính là gốc rễ của cuộc khủng hoảng.
Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: CNN |
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1/3 (giờ địa phương) đã miễn cưỡng ký một sắc lệnh bắt đầu chương trình cắt giảm 85 tỉ USD ngân sách tài khóa năm 2013. Đây là chương trình cắt giảm tự động theo thỏa thuận năm 2011, trong đó quy định nếu Nhà Trắng và Quốc hội không nhất trí được với nhau về các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách thì ngân sách liên bang hàng năm sẽ tự động bị cắt giảm.
Về mặt giấy tờ, với sắc lệnh trên, tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ đã giảm các khoản thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ đạt gần 4.000 tỉ trong vòng 1 thập kỷ - một mục tiêu được chấp nhận để ổn định khoản nợ của nước này.
Tuy nhiên, việc cắt giảm ngân sách này sẽ đưa đến những hậu quả được nhận định là rất nghiêm trọng. Một ngày sau khi ký sắc lệnh nói trên, ông cảnh báo về những hậu quả đối với nền kinh tế Mỹ, vốn có thể đẩy hàng trăm ngàn người vào cảnh mất việc làm.
Tổng thống Mỹ thậm chí đã gọi đây là một hành động “tùy tiện” và “không thông minh” sau khi những khoản cắt giảm này chính thức trở thành chính sách của chính phủ. Động thái này được cho là có thể đẩy Washington vào một cuộc khủng hoảng chính trị. “Nỗi đau sẽ rất thật. Cuộc sống của rất nhiều gia đình trung lưu sẽ bị gián đoạn đáng kể” – ông Obama nói trong bài phát biểu hàng tuần.
Tổng thống Mỹ nói thêm rằng kế hoạch cắt giảm này sẽ làm tốc độ tăng trưởng ở Mỹ giảm 0,5% và làm mất đi 750.000 công ăn việc làm. “Việc này sẽ gây ảnh hưởng dần dần đến nền kinh tế. Hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng vì khách hàng sẽ có ít tiền để chi tiêu hơn. Những khoản cắt giảm này thực sự không thông minh. Nó sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế của chúng ta và cắt giảm nhiều việc làm” – ông Obama nói.
Lầu Năm Góc sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi việc cắt giảm này. Dự kiến, Bộ quốc phòng Mỹ sẽ phải cắt giảm 40 tỉ USD từ nay cho đến tháng 9, tương đương khoảng 9% ngân sách của họ. Những người đứng đầu bộ quốc phòng đã cảnh báo rằng động thái này sẽ làm chậm trễ việc triển khai quân – ví dụ như việc chuyển tàu sân bay đến vùng Vịnh gần đây – và sẽ làm tổn hại đến an ninh quốc gia.
Ngoài ra, hầu hết các bộ ngành của chính phủ sẽ phải cắt giảm khoảng 5% tổng ngân sách của họ. Chỉ có chương trình y tế Medicaid và các khoản phúc lợi xã hội như thực phẩm tem phiếu là không bị ảnh hưởng.
Cơ quan kiểm soát không lưu cũng cho hay họ sẽ phải đóng cửa một số tháp kiểm soát không lưu và Hội đồng quan hệ lao động quốc gia đã gửi thông báo tới các nhân viên rằng họ có thể bị đình chỉ công việc. Trong vài tuần tới, nhiều thông báo như vậy cũng sẽ được gửi đi và hoạt động của nhiều cơ quan chính phủ cũng không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng.
Nếu Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận về ngân sách cho năm 2013 vào ngày 27/3 tới, chính phủ liên bang sẽ phải đối mặt với khả năng phải đóng cửa. Ngay sau đó, Quốc hội sẽ phải phê chuẩn tăng thêm giới hạn nợ liên bang, một động thái tương tự 2 năm trước, vốn đã tạo ra sự bế tắc ở Washington và rơi vào trạng thái cô lập. Trong tuần tới, Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu về một thỏa thuận nhằm ngăn chặn việc chính quyền liên bang phải đóng cửa.
Minh Ngọc (theo NY Times, Guardian)