Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2010 tại UBTVQH hôm qua, Chính phủ thẳng thắn: “Việc phát hiện tham nhũng… vẫn còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhưng chậm được khắc phục”.
20 cán bộ nộp lại quà tặng
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, năm 2010 có 20 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị với tổng giá trị 123 triệu đồng. Như vậy, so với năm 2009 con số này đã giảm nhiều (năm 2009 có 211 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng, tổng giá trị 66,55 triệu đồng). Nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã kiên quyết không nhận quà tặng, không nhận hối lộ.
Để “phòng” tham nhũng, các cấp, ngành đã chuyển đổi vị trí công tác của trên 20.000 cán bộ, công chức, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2009. Các vị trí được chuyển đổi chủ yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Cũng trong năm 2010 đã có 84 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong vi phạm quản lý. Trong đó xử lý hình sự 19 người, cách chức 15 người, cảnh cáo 13 người và khiển trách 37 người.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng còn “có biểu hiện nương nhẹ, không nghiêm minh” nên tác dụng răn đe còn thấp. Việc kê khai tài sản đã được thực hiện xong mới chỉ có 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 32 bộ ngành báo cáo hoàn thành 100% việc kê khai năm 2009.
Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, việc thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra còn chậm. Theo báo cáo của Chính phủ tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng phát hiện được là 193,5 tỷ đồng, 516,8ha đất, đã thu hồi được 156,4 tỷ đồng, 432,1 ha đất, số còn lại đang tiếp tục thu hồi.
Xử lý chưa tích cực
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010, các cơ quan điều tra đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng; VKS các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can; TAND các cấp xét xử sơ thẩm 211 vụ với 479 bị cáo. Một số vụ án nghiêm trọng mà dư luận quan tâm đã được Ban chỉ đạo TW về PCTN tích cực chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm trong thời gian qua là vì sao số bị cáo phạm tội tham nhũng bị Tòa án phạt tù nhưng cho hưởng án treo khá lớn (theo báo cáo của Chính phủ là 34,6%, số bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm chiếm 22,7%. Số bị cáo bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền chiếm tỷ lệ 11,06%). Nhiều địa phương việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo khá cao.
Theo bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, thì đây là vấn đề cần được làm rõ về quan điểm xử lý cũng như áp dụng pháp luật đối với người có hành vi tham nhũng. Cũng theo bà Ba, báo cáo của Chính phủ và qua giám sát cho thấy các vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở. Trong nhiều năm qua số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng là cán bộ cấp xã, phường chiếm tỷ lệ cao trên tổng số bị can bị khởi tố, với số tiền chiếm đoạt không nhiều. Trong khi ở TW dù ít song với những vụ đã phát hiện, xử lý thì số tiền bị chiếm đoạt lại rất lớn. “Đây là một thực trạng cần được quan tâm, đánh giá đúng mức”, bà Ba nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc giải quyết các vụ án tham nhũng, nhìn chung tiến độ điều tra, truy tố, xét xử còn chậm, có vụ kéo dài, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, trong đó có những vụ án nghiêm trọng.
Đồng tình với Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nhận định tình hình tham nhũng nhìn chung còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi đó, công tác phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đấu tranh PCTN. Ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành cần tập trung vào một số vấn đề, trong đó có tiếp tục hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Bình An