Bà bị cáo buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hơn 3 triệu USD, ngoài ra còn bị nhiều người khác tố cáo chiếm đoạt của họ gần 900 tỷ đồng và có dấu hiệu hối lộ một số cán bộ công tác tại Bộ Công an nhằm “chạy tội”, tuy nhiên, hành vi này được tách ra thành vụ án khác.
Tại phiên tòa, bà Nga đã phủ nhận toàn bộ cáo trạng, cho là mình không chiếm đoạt tiền đặt cọc. Sau những lời phản kháng đó, phiên tòa phải tạm dừng vì sức khỏe của bị cáo không đảm bảo.
Việc bà có phạm tội hay không sẽ được Tòa án làm rõ, chỉ biết một điều xác tín rằng, vụ xét xử này tiếp nối các gương mặt một thời từng là doanh nhân thành đạt, “người đương thời”, gương mặt tiêu biểu, hoa hậu (trước đây có hoa hậu vào tù vì tội môi giới mãi dâm)..., tóm lại là những người từng được vinh danh, ngưỡng mộ, người của công chúng, tấm gương của xã hội lần lượt vào tù với các tội danh cố ý làm trái, lừa đảo và cả mại dâm. Và, tiếc thay, không chỉ là những trường hợp hãn hữu mà khá phổ biến, không phải những cú “trượt chân” vô ý mà những việc làm có tính toán rõ ràng.
Hiện tượng này nhìn ở phía tích cực là pháp luật không “né tránh” một ai, nếu người đó có hành vi phạm tội, bất kể ở cương vị gì (kể cả đại biểu Quốc hội, quan chức cấp cao), mặt khác, nó phơi bày một hiện trạng “đánh bóng tên tuổi” bằng danh hiệu, lợi dụng cương vị và tầm ảnh hưởng của mình để thực hiện các việc làm phi pháp. Tương tự, không ít các đơn vị nhà nước hoặc công ty tư nhân được vinh danh bằng các danh hiệu cao quý nhưng lại phá sản do những người đứng đầu đơn vị, công ty đó thực hiện những hành vi khuất tất.
Những danh hiệu này như những lớp sơn quét lên gỗ mục, chỉ hào nhoáng bên ngoài nhưng mục ruỗng bên trong, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Cái nguy hại là người ta lợi dụng sự hào nhoáng được sơn phủ này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tiến thân.
Nước mắt của Hoa hậu quý bà thành đạt trước Tòa hôm nay là cái giá phải trả là đương nhiên, song đó không phải là nước mắt ân hận mà bà khóc vì cho rằng mình bị oan, không được đối xử công bằng. Cho dù nước mắt quý bà hay nụ cười đại gia trước Tòa có làm ai đó thương xót hay nổi giận thì cũng chỉ là biểu hiện của sự cùng đường, trước những chứng cứ không thể chối cãi về những hành vi phạm tội của mình!.