Dù đã 5 tháng trôi qua nhưng chị Nguyễn Thị Thắm, một hộ nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, vẫn chưa hết bức xúc khi nhắc lại vụ việc xảy ra vào trung tuần tháng 8/2020. Chỉ vì lầm tin lời bạn là Đoàn Thị Kim Y, trú cùng xã, gia đình chị Thắm đã bị lừa mất số tiền hơn 20 triệu đồng.
“Đầu tiên là Y gọi nói cần mua tôm hùm giá cao để xuất đi các tỉnh nên tôi cũng đồng ý bán hết với giá 20 triệu đồng. Y hẹn 2 tuần mới đưa tiền thì tôi cũng tin vì gần nhà. Đến ngày đưa tiền, Y hẹn thêm và sau đó không liên lạc được.”, bà Thắm nói.
Cũng lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười” như chị Thắm còn có hàng trăm hộ dân khác ở xã xuân Phương – một vùng nuôi tôm hùm trọng điểm của TX Sông Cầu. Người ít thì vài chục, vài trăm triệu đồng, người nhiều thì cả tỷ đồng. Tổng cộng cho đến nay, có đến hơn chục tỷ đồng của 149 hộ nuôi đã bị Y lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phần lớn trong số này là tiền mà các hộ dân trong xã vay ngân hàng để gầy dựng lại nghề nuôi tôm hùm sau những tháng ngày lao đao vì bệnh dịch và bão lũ.
Hàng trăm hộ dân nuôi tôm hùm đang điêu đứng vì số tiền có nguy cơ mất trắng |
Trước cơ quan Công an, đối tượng Đoàn Thị Kim Y khai nhận, do làm ăn thua lỗ và cần tiền tiêu xài cá nhân nên Y nảy ra ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân nuôi tôm hùm. Để qua mặt mọi người, Y liên hệ với các chủ vựa, lợi dụng uy tín của họ đến từng hộ nuôi trên địa bàn thị xã Sông Cầu và TP Quy Nhơn để thu mua tôm hùm các loại, đủ kích cỡ với giá tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/1 ký. Do giá thu mua này cao hơn hẳn những nơi khác từ 100 đến 300 ngàn đồng/1 ký nên các hộ nuôi đều bán tôm cho Đoàn Thị Kim Y. Sau đó, Y đem toàn bộ số tôm này bán đồng giá cho các điểm thu mua tôm hùm khác chỉ với giá từ 250 đến 500 ngàn đồng/1 ký, thu được hơn 10 tỷ đồng chiếm dụng làm của riêng.
Ông Phạm Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết, hiện tại cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý Đoàn Thị Kim Y theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên vụ việc trên cũng là bài học đắt giá, là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân về kẽ hở trong hoạt động thu mua tôm hùm hiện nay.
Mặc dù giá trị giao dịch của loại mặt hàng này lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng/vụ nhưng giữa người mua và người bán không có ràng buộc pháp lý chặt chẽ, chủ yếu dựa vào niềm tin với nhau. Chính điều này đã tạo cơ hội cho kẻ gian nảy sinh lòng tham, lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà hậu quả cuối cùng mà người nuôi tôm phải gánh chịu.
Trên đây là bài học cảnh giác cho tất cả mọi người, không nên nhẹ dạ, cả tin để rồi rơi vào cảnh trắng tay, tiền mất, nợ mang.