“Tâm phải sáng”
Là người đứng đầu ngành TAND TP HCM, bà Ung Thị Xuân Hương luôn quan niệm rằng người làm tòa án phải có cái tâm sáng. Vị nữ Chánh án vui vẻ chia sẻ: “Người làm công tác tòa án thường xuyên phải tiếp xúc với mặt trái nên rất dễ bị cám dỗ. Hơn nữa, những đối tượng vi phạm pháp luật lúc nào cũng hướng tới việc xét xử có lợi cho mình, vì thế sẽ tìm cách tác động đến tòa án để làm được điều đó. Bởi vậy, tổ tòa án phải có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, làm việc theo quy cách đạo đức nghề nghiệp và hết sức công tâm, khách quan thì mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ. Cái tâm không trong sáng sẽ không đảm bảo khách quan, nếu nghiêng về một bên nào đó thì không còn tính công bằng”.
Theo bà Ung Thị Xuân Hương, để làm tốt những vấn đề trên thì TAND TP HCM rất chú trọng đến việc trau dồi phẩm chất đạo đức của người cán bộ tòa án. Theo đó, đơn vị đã tổ chức ban hành các quy tắc ứng xử. Bên cạnh đó, để đảm bảo sự khách quan thì tòa án còn đề ra nhiều giải pháp, chương trình ngoại tuyến hay phần mềm quản lý, cùng đó là việc phổ biến đến cán bộ trong các cuộc họp giao ban, sinh hoạt đoàn thể, chi bộ để tăng cường công tác thực hiện nhiệm vụ.
“Người làm tòa án ngoài bản lĩnh vững vàng còn phải rèn cho mình tính chịu đựng. Mình phải kiên trì hòa giải cho người dân, thậm chí nhiều trường hợp hai bên lời qua tiếng lại ngay tại tòa. Hay có những trường hợp một bên bị xử thua khi về nhà liên tục hù dọa thẩm phán. Thậm chí nhiều vụ xét xử án hình sự có đối tượng manh động, họ không nghe tòa phân tích đúng sai và sau đó thẩm phán còn thường xuyên bị nhắn tin đe dọa, chửi bới. Cái khó là hiện nay chưa có cơ chế bảo vệ tòa án và trên thực tế người dân cần chia sẻ nhiều hơn nữa với tòa án”, bà Hương nói về những khó khăn mà người làm tòa án phải đối mặt.
Chia sẻ về quá trình công tác trên cương vị Chánh án TAND TP HCM, bà Ung Thị Xuân Hương cởi mở cho biết, trong quá trình lãnh đạo có những thuận lợi nhất định về chuyên môn nghiệp vụ, bởi vì trước đây bà từng làm bên ngành Tư pháp, tham mưu pháp luật một cách toàn diện. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn đó là đặc thù bên Sở Tư pháp là pháp luật chung, chỉ tham mưu cho UBND TP mà không quyết định một vấn đề cụ thể. Nhưng bên tòa án là “áp dụng pháp luật cụ thể trong vụ án cụ thể”, cho nên nếu áp dụng không chuẩn xác hay chưa đầy đủ về thông tin sẽ dễ dẫn đến sai lầm trong đường lối xét xử. Cụ thể, trong án hình sự sẽ dẫn đến oan sai, án dân sự không đúng đường lối.
“Cái khó là mình vừa phải đảm bảo đường lối xét xử đúng nhưng không được can thiệp vào quyết định cụ thể của thẩm phán. Nếu mình can thiệp là vi phạm quy định tố tụng, ở đây thẩm phán hoàn toàn độc lập. Bởi vậy, mình phải nâng cao công tác giáo dục tư tưởng đạo đức, thường xuyên giám sát, tập huấn, rút kinh nghiệm xét xử khi án bị chỉnh sửa và việc thực hiện theo quy định của pháp luật”, bà Ung Thị Xuân Hương chia sẻ.
Theo bà Hương, việc giám sát được thực hiện qua công tác thường xuyên kiểm tra 100% án. Đối với án có hiệu lực, nếu kiểm tra phát hiện có sai sót thì sẽ kiến nghị giám đốc thẩm. Hàng năm, tòa án đều thực hiện công tác kiểm tra án có hiệu lực. Bên cạnh đó, thông qua vấn đề tái bổ nhiệm thẩm phán, nếu án sửa nhiều trên 2%, hủy là 1,16 % do lỗi chủ quan thì sẽ không được tái bổ nhiệm. Ngoài ra, việc giám sát thường xuyên được thực hiện qua việc khiếu nại tố cáo.
Tăng cường tương tác giữa TAND
Thời gian qua, ngành TAND TP HCM rất chú trọng đến việc tăng cường sự tương tác giữa tòa án và người dân. Việc này sẽ giúp tòa án nắm bắt vụ việc cụ thể mà người dân bức xúc và giúp họ hiểu hơn, đồng thời hỗ trợ tòa án giải quyết hồ sơ của mình. Trong đó, đơn vị đã triển khai tốt việc công khai thông tin với người dân bằng cách sử dụng “ki ốt thông tin”. Từ đó người dân biết đến tiến độ xét xử vụ án của mình hoặc những vụ án khác. Hiện ngành TAND TP HCM đã thực hiện xong việc lắp đặt “ki ốt thông tin” cho 24 TAND quận, huyện và triển khai việc kết nối mạng thông suốt.
Cùng đó, TAND TP HCM còn thiết lập được đường dây tiếp nhận thông tin về hoạt động của tiếp nhận từ hai cấp xét xử. Từ đây, người dân có kênh thông tin để tiếp cận, qua đó tòa án sẵn sàng tiếp nhận và có thông tin phản hồi qua số điện thoại 08.35218315. Đơn cử, người dân phản ánh thông tin vụ án xét xử của mình như chậm xét xử, lý do vì sao chậm... Tới đây sẽ có Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp đặt tại TAND TP HCM. Trên thực tế, nhiều người dân có nhu cầu tư vấn về pháp luật liên quan đến vụ án. Nhiều trường hợp người dân nhờ đến tòa án, nhưng phía tòa không có chức năng đó.
Năm 2015, TAND hai cấp thành phố đã thụ lý 57.016 vụ án các loại, giải quyết 54.563 vụ, đạt tỷ lệ 95,70%, số lượng vụ án còn lại chưa giải quyết hầu hết là những vụ án mới thụ lý, đang trong quá trình chuẩn bị xét xử và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với năm 2014, giải quyết tăng 6.340 vụ, tỷ lệ giải quyết tăng 16,05%.
Các vụ án đều được giải quyết, xét xử theo đúng thời hạn luật định. Công tác tổ chức phiên tòa ngày càng được tăng cường và chú trọng về chất lượng tranh tụng, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp nhằm đảm bảo giải quyết tốt vụ án, đặc biệt là một số vụ án lớn, trọng điểm liên quan đến các tội phạm về tham nhũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.