Năm học mới này, việc thu, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập được thực hiện theo Nghị định số 49/2010 ngày 14/05/2010 của Chính phủ với nhiều điểm mới, khiến dư luận rất quan tâm.
Thu học phí phải có biên lai
Nghị định qui định việc thu tiền học phí có thể định kỳ hàng hoặc thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Các trường sau khi thu phải gửi toàn bộ số học phí thu được vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng. Đặc biệt, thu phải có biên lai theo qui định của Bộ Tài chính. Đây là một qui định đáng chú ý. Bởi lâu nay có không ít trường hợp “kêu” nộp tiền không hề có biên lai.
Em Phạm Thị Liên, ở Đông Anh, Hà Nội theo học một Trường giáo dục thường xuyên ở quận Ba Đình cho biết: cả 3 năm học ở đây, em chưa bao giờ được cầm biên lai thu tiền. Hàng tháng đóng tiền học phí chỉ được ký nhận trong sổ của cô giáo chủ nhiệm, còn sau đó cô nộp đi đâu thì không biết. Số tiền học phí hằng tháng cũng khác nhau, chênh nhau vài chục ngàn.
Một phụ huynh có con học mẫu giáo ở quận Cầu Giấy cho biết: “Phụ huynh không tiếc tiền đóng góp cho các cháu học tập, nhưng nhiều khoản nhà trường không rõ ràng với phụ huynh. Chẳng hạn như trường con tôi học, năm nào cũng bắt các cháu đóng tiền bảo hiểm thân thể nhưng không hề có biên lai gì ghi nhận. Lấy cớ Hội cha mẹ học sinh đồng ý, hàng tháng vẫn thu tiền cây xanh, tiền nước của các cháu trong khi thành phố đã cấm thu khoản này”.
Học cách thu của trường tư?
Nghị định qui định, khung học phí của giáo dục mầm non và phổ thông công năm học 2010 - 2011 đối với vùng thành thị là từ 40.000 đến 200.000 đồng/tháng/học sinh; nông thôn, từ 20.000 đến 80.000 đồng/tháng/học sinh; miền núi từ 5.000 đến 40.000 đồng/tháng/học sinh . Căn cứ vào khung học phí này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của địa phương.
Học phí luôn là mối quan tâm của phụ huynh học sinh |
Dù mức học phí cao nhất ở thành thị là chỉ 200 ngàn đồng/ tháng, nhưng nỗi ám ảnh chung của các bậc phụ huynh mỗi khi vào năm học là đủ các khoản “khó nói” như: tiền cây xanh, nước, hỗ trợ trường, quĩ lớp… bao giờ cũng đội lên tiền triệu. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trường công nên thu đúng, thu đủ, thu trọn gói theo kiểu trường tư dễ được chấp nhận hơn là thu nhỏ lẻ các khoản, không rõ ràng bị dư luận lên tiếng lâu nay.
Theo kiểu thu “một cục”, năm nay, Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nội “trình” Đề án học phí mới với tiêu chí: ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, học sinh không phải đóng góp khoản tiền nào khác. Các trường không được tự ý đề ra khoản thu nào dưới hình thức thỏa thuận hoặc để phụ huynh học sinh thu phục vụ hoạt động chính khóa.
Đề án chia 4 nhóm đối tượng đóng học phí: nhóm 1 là học sinh có gia đình sống ở các quận, thị xã; nhóm 2 là học sinh có gia đình sống ở các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức; nhóm 3 là học sinh có gia đình sống ở các huyện còn lại; nhóm 4 là học sinh có gia đình sống ở các xã miền núi (nhóm này không phải đóng học phí).Theo đó, mức thu học phí của cấp học mầm non nhóm 3 là 62.000 đồng, nhóm 2 là 115.000 đồng, nhóm cao nhất là 209.000 đồng. Mức thu thấp nhất ở cấp THCS là 10.000 đồng, cao nhất là 143.000 đồng. Ở cấp THPT, thấp nhất là 22.000 đồng, cao nhất là 143.000 đồng…
Kiểu thu mới nói trên không chỉ được dư luận ủng hộ, ngay cả giáo viên cũng đồng tình vì mục tiêu tận diệt việc lạm dụng thu trong trường công. Theo Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, việc gộp vào một khoản có thể là mới lạ đối với các trường công lập nhưng ở trường dân lập đã thực hiện từ trước đến nay. “Học phí mới được xây dựng phải đảm bảo tiêu chí ngoài khoản thu bắt buộc theo quy định, phụ huynh không phải đóng góp bất cứ một khoản nào nữa để tránh tình trạng học phí chỉ vài chục nghìn nhưng phụ phí có khi lên tới tiền triệu”- ông Cương nói thêm.
Nghị định thực sự là tin vui cho sinh viên sư phạm với qui định sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn nghề nghiệp không phải đóng học phí. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã đề xuất thay đổi phương thức thực hiện chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm. |
Hà Linh