Được biết, đây là những thiết bị máy móc do chính các kỹ sư, nông dân Việt tự làm, cùng với hàng ngàn sản phẩm, thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới, phục vụ riêng cho ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Đây là triển lãm do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) cùng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức.
Họp báo giới thiệu về cuộc triển lãm thiết bị nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Trìu |
Theo đó, triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 2/11, tại Trung tâm Triển lãm ICE (Hà Nội), với khoảng gần 5.000 sản phẩm là những thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất trong ngành nông- lâm - ngư nghiệp, được đưa đến từ hơn 20 quốc gia đến Việt Nam để trưng bày, như: Hà Lan, Pháp, New Zealand, Ý, Chile, Nhật Bản, Tây Ban Nha…
Triển lãm Growtech Vietnam được tổ chức nhằm hai mục đích: “trình diễn” các loại công nghệ, thiết bị mới nhất, tiên tiến nhất trên thế giới được áp dụng trong nông nghiệp để các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam có thể tìm hiểu, tiếp cận và tìm cơ hội để kết nối, chuyển giao công nghệ giữa thế giới và Việt Nam.
Trong số hàng ngàn sản phẩm, thiết bị trong triển lãm lần này sẽ có những loại máy móc, phương tiện kỹ thuật mang tính ứng dụng cao, tạo ra đột phá cho nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, ví dụ như: Hệ thống robot quản lý trang trại, robot phun thuốc tự động, máy bay không người lái phun thuốc và tưới tiêu; màng che nhà kính tối ưu hiệu ứng ánh sáng và nhiệt độ, hệ thống thoát nước thông minh; các giải pháp công nghệ xử lý tẩy rửa tồn dư hóa chất của đất, sản xuất ra sản phẩm nông sản sạch…
Nông dân Việt có cơ hội tiếp cận hàng nghìn thiết bị tiên tiến phục vụ cho nông nghiệp. Ảnh: IT |
Triển lãm còn có các sáng kiến của doanh nghiệp và nông dân Việt cùng tham gia “đua tài” như sáng chế máy gieo hạt tự động thế hệ mới, máy rửa củ quả tự động của kỹ sư Lê Thanh Trị tại tỉnh Lâm Đồng; máy cấy không động cơ và máy cấy động cơ điện của 1 doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình; máy trồng cây tự động, máy đóng bầu ươm công nghiệp của anh Phạm Văn Hát ở Hải Dương; máy xúc lúa, cà phê vào bao, máy vét bùn của nhà sáng chế Hoàng Văn Liêm đến từ Cần Thơ.