Trong phiên chất vấn Quốc hội 11/6, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát vấn đề cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng.
Chuyện cho thuê đất trồng rừng đã khiến Quốc hội trở nên "nóng bỏng" |
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) dẫn con số thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện 10 tỉnh đã có quyết định cho người nước ngoài thuê đất với diện tích hơn 300 ngàn hécta.
Đây là con số rất lớn trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước và người dân không có đất trồng rừng. Sắp tới Bộ có cho các tỉnh tiếp tục ký hợp đồng cho thuê nữa hay thôi?
ĐB Lê Minh Tiến (Quảng trị) đề nghị Bộ trưởng xác định con số “chuẩn” và cật vấn: “Việc cho thuê này có đúng với Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và pháp luật về an ninh biên giới hay không?”
Bộ trưởng Cao Đức Phát sau khi xác nhận con số trên 305 ngàn hécta như Chính phủ đã báo cáo nhưng cho rằng đó mới chỉ là “chấp thuận chủ trương”. “Việc chấp nhận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh, Bộ chỉ có ý kiến khi địa phương yêu cầu”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói thêm.
Ông Phát cũng lý giải 5, 10 năm trước đất trống đồi núi trọc của ta còn nhiều, ta khuyến khích đầu tư, nhưng nay tình hình đã khác, dân có nguyện vọng trồng rừng thì phải xem xét, còn những dự án đã cấp thì tùy từng trường hợp cụ thể để tính toán, trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, môi trường, an ninh quốc gia…
Chưa bằng lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, ĐB Tuyết gay gắt: “Tại sao cho thuê cả những diện tích đã có chủ, diện tích rừng phòng hộ và đề nghị Bộ cho biết sắp tới có tiếp tục cấp phép nữa không?”
Cũng như ông Tuyết, ĐB Tiến một lần nữa đứng lên: “Về pháp lý, người nước ngoài đã cầm trong tay giấy chứng nhận đầu tư, không có lý gì họ không được giao đất. Quản lý ngành về lĩnh vực đó, Bộ trưởng phải biết chứ…?”.
Bị ĐBQH dồn liên tục, Bộ trưởng Phát thừa nhận một số địa phương có thiếu sót, nhiều khu đất được cấp phép cho thuê chồng lên cả những diện tích đã giao cho bà con hoặc đất của dự án khác.
Trước câu trả lời của người đứng đầu Bộ NN&PTTNT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhiều lần phải nhắc nhở: “Bộ trưởng trả lời chưa rõ”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: toàn bộ diện tích được cho thuê theo giấy phép chưa được giao trên thực tế, mà phải đợi sau khi kiểm tra, đủ điều kiện mới giao. Còn chủ trương sắp tới thế nào phải đợi Chính phủ rà soát lại, “Tôi mà nói nữa sợ vượt quá thẩm quyền”.
Cũng là vấn đề liên quan đến cho thuê đất rừng, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) quyết liệt: “Thực sự Bộ trưởng không nắm được vấn đề. Hơn 300 ngàn hécta rừng đó mà dư luận, nhân dân không phát hiện ra thì đến nay đã được giao cả rồi”.
Trước tình trạng phá rừng, ĐB Xuân gay gắt: “Quốc hội đã giao đồng chí cái chìa khóa, trong tay đồng chí có hàng ngàn kiểm lâm được trang bị vũ khí tối tân, nhưng đồng chí đã cho “gác cửa trước, mở cửa sau” và đặt câu hỏi “ai hưởng lợi từ việc phá rừng, là Tổng Tư lệnh ngành, đồng chí đã không hoàn thành nhiệm vụ?”
Cùng với câu hỏi của ĐB Xuân, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) cũng đề nghị cho biết việc phá “rừng xấu” để trồng cao su.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng việc phá rừng không làm bừa mà tiêu chí rừng tốt hay xấu, nghèo hay nghèo kiệt đã có Hội đồng khoa học nhưng ĐB Xuân vẫn chưa thỏa mãn sau khi đề nghị Bộ trưởng cung cấp danh sách các nhà khoa học đó.
Với phần của Bộ trưởng Cao Đức Phát, các ĐBQH còn nêu nhiều vấn đề: giá lúa gạo cho nông dân, tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả gây thiệt hại, việc thu hồi đất lúa làm các khu đô thị, khu công nghiệp…
Thu Hằng
Trong 5 tháng đầu năm 2010, tổng diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng trái pháp luật gây ra là 669ha (giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2009). Tuy vậy, do thời tiết nắng nóng, khô hanh, tổng số vụ cháy rừng lên tới 474, tăng hơn 2,3 lần; diện tích bị cháy 2.881ha, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.(nguồn: Bộ NN&PTNT) |