[links()]Giữa cái ồn ào của phố xá Hà Nội một ngày cuối thu, tôi chợt nghe lời bài hát “Chiều Matxcova” từ người Viện trưởng mà chúng tôi vẫn trìu mến gọi bằng Thầy. Có lẽ nỗi nhớ nước Nga sâu thẳm trong tim những cựu sinh viên Nga nói chung và Trường Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO) nói riêng vẫn “không bao giờ nguôi”..
Nỗi nhớ về những người thầy
Khóa học 1971 -1976 ngày ấy, Việt Nam có 15 sinh viên theo học MGIMO- một ngôi trường nằm ở Thủ đô Matxcơva, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Nguyễn Văn Luyện, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp Lê Hồng Hạnh. Họ giống nhau ở chỗ đều là những học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, đang ở lứa tuổi đẹp nhất của đời người, có lẽ vì thế mà những gì họ cảm nhận về nước Nga, về mái trường MGIMO đến giờ sau 40 năm vẫn vẹn nguyên, rõ nét như chỉ mới hôm qua.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trong một lần tới thăm trường MGIMO. |
Ngày đó, để được sang Nga học tập, mỗi địa phương chỉ có một số chỉ tiêu được lựa chọn từ những học sinh học giỏi và có một lý lịch “sạch”. Họ tập trung tại Hà Nội và phải trải qua một kỳ thi tuyển sát sao để lựa chọn những người tiêu biểu nhất. Tốp người có điểm cao nhất sau đó sẽ được sang Nga với khóa học dài 5 năm và một năm dự bị.
“Những ngày đầu, học tiếng thật khó khăn, bởi đối với học sinh các thành phố lớn còn được học ngoại ngữ chứ học sinh tỉnh lẻ thì bắt đầu như với trẻ tập đọc, tập viết”- Tổng cục trưởng THADS Nguyễn Văn Luyện nhớ lại. Mất năm đầu rồi đến năm thứ 2, nhờ môi trường liên lục được cọ sát với sinh viên Nga, với người dân Nga nên ngoại ngữ của các sinh viên Việt Nam đã “lên” thấy rõ. Họ giao tiếp được bằng tiếng Nga, nghe đọc, hiểu bài giảng trên lớp bằng tiếng Nga. Và có lẽ nhớ nhất đến những ngày đầu tiên ấy, trong ký ức của các cựu sinh viên MGIMO đều về những người thầy Nga yêu thương trò Việt như con đẻ của mình.
“Đến giờ tôi vẫn nhớ người thầy có cách chấm điểm “có một không hai”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Luyện hồi tưởng. “Đó là ông thầy dạy lịch sử Đảng Liên Xô. Vào lớp thầy hỏi các sinh viên, ai tự nhận mình được điểm 5 giơ tay. Nói rồi ông gọi những người này riêng ra một chỗ, ai tự nhận được điểm 4, điểm 3 ông gọi ra chỗ khác. Thế rồi chẳng cần kiểm chứng, ai tự nhận mình bao nhiêu điểm, ông cho bấy nhiêu. Sau này, khi thi vấn đáp, kết quả gần giống như cuộc cho điểm “thử nghiệm” nọ. Cách cho điểm này giống như kiểm chứng về sự tự tin của học trò Việt Nam, những người mà qua bao khóa học tại ngôi trường này đều rất chăm chỉ, siêng năng, học tốt và ý thức kỷ luật rất cao”.
“Dường như giữa các thầy người Nga và học trò Việt Nam có mối đồng cảm sâu sắc, nước Nga ngày đó cũng vừa qua chiến tranh, còn Việt Nam 2 miền còn đang chia cắt. Có lẽ vì thể các thầy yêu thương chúng tôi như con cháu mình”, Viện trưởng Lê Hồng Hạnh tiếp lời.
Và những kỷ niệm “không bao giờ quên”
“Chúng tôi học được nhiều phương pháp đào tạo của bạn bè Nga, của các thầy cô Nga cũng như cách hành xử của họ với những người bạn quốc tế”, ông Luyện nói. Không biết có phải vì những tình cảm với các thầy cô Nga mà ba sinh viên Việt Nam trong khóa học ngày đó đều trở về nước với nghề thầy cao quý. Bộ trưởng Hà Hùng Cường bắt đầu từ Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Luyện ở trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, còn Viện trưởng Lê Hồng Hạnh công tác tại trường ĐH Luật Hà Nội và họ đã từng giữ những vị trí trọng trách ở đó.
“Đi trên phố đông, bất chợt nghe tiếng nhạc Nga, bất chợt nhìn thấy bức tranh có hình ảnh của nước Nga, đều gợi cho tôi nỗi nhớ da diết… Và tôi dám chắc rằng, tất cả những người học ở Nga đều có chung cảm giác ấy. Cảm giác xốn xang về những chiều vàng trên đồi Lê – Nin, những kỷ niệm với thầy cô, bè bạn và cả những ngày đông giá rét…”, Viện trưởng Lê Hồng Hạnh hồi tưởng. Có lẽ ông nói đúng, không chỉ có ông mà những người đã từng học ở MGIMO và nước Nga nói chung đều có cái cảm giác đặc biệt ấy.
Không chỉ đào tạo cho Việt Nam những thế hệ cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức về phục vụ công cuộc tái thiết đất nước, sau này còn lớp lớp những người trẻ vẫn sang Nga tiếp tục học tập dù Liên Xô cũ đã tan rã. Trở về từ nước Nga tươi đẹp, dù ở cương vị nào thì qua câu chuyện với họ, chúng tôi vẫn cảm nhận thật sâu sắc tình cảm với nước Nga, dù cho cách trở địa lý, do điều kiện công tác, họ không được trở lại Nga, nhưng bất kể khi có cơ hội nào, họ đều tìm về MGIMO như tìm về một ngôi nhà thân thương nhất của mình.
"Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào,
Rừng cây chim buông lắng suốt canh thâu
Ơi em thấu chăng tình trong lòng bao trìu mến,
Matxcơva bên chiều vắng thanh bình
Hỡi em thấu chăng tình trong lòng bao trìu mến,
Matxcơva bên chiều vắng thanh bình…." |