“Dạy bảo” bằng… xăng
Gã đàn ông được nhắc đến là Đặng Anh Sơn (SN 1974). Sơn có 1 đời vợ nhưng đã ly hôn và nay đang sống cùng con gái. Lần này, Sơn bén duyên với chị Đỗ Thị Vân A. (SN 1982) – người phụ nữ truân chuyên với 2 “chuyến đò” lỡ dở. Cả hai về chung sống tuy không giấy tờ ràng buộc nhưng mối tình tưởng chừng là “rổ rá cạp lại” mà lại mặn nồng và yêu thương hết mực.
Những lúc tình cảm, chị A. còn chẳng ngại ngần tâm sự với nhân tình việc trước đây chị yêu một người tên Thắng và đã cùng người này buôn ma túy sang Trung Quốc. Tình yêu của họ gián đoạn khi Thắng bị công an bắt. Trái với dự đoán, thay vì bị quở trách, mắng mỏ, Sơn lại chấp nhận quá khứ của người tình và một mực khuyên can chị A. không quay lại con đường cũ.
Tình cảm khăng khít, cặp đôi dọn về chung sống với nhau như vợ chồng. Thế nhưng, chẳng mấy chốc Sơn để ý thấy chị A. thường có những cuộc điện thoại bí ẩn và chị không bao giờ nghe điện thoại trước mặt Sơn. Tuy tin tưởng lòng thuỷ chung của vợ “hờ” nhưng biểu hiện lạ đó đã dấy lên trong gã nỗi hoài nghi về việc chị A. đang quay lại con đường mua bán, vận chuyển ma túy.
Nỗi nghi ngờ của Sơn càng lớn khi có lần chị A. đưa một người đàn ông tên Mạnh, người mà trước đó chị kể với Sơn là đối tượng vận chuyển ma túy tới nhà chơi. Sau lần đó, chị A. đã thừa nhận với Sơn việc chị đã quay lại con đường mua bán trái phép chất ma túy. Và khi Thắng bị bắt, đường dây ma túy mà chị là một mắt xích đã khiến chị phải bán hai căn nhà để chạy tội cho tình cũ. Chị cũng tỉ tê ngỏ ý với Sơn rằng muốn quay lại con đường cũ để kiếm ít vốn dắt lưng rồi sẽ từ bỏ hoàn toàn.
Không chấp nhận chuyện này dù chị A. ra sức thuyết phục khiến mâu thuẫn giữa Sơn và người tình ngày một lớn. Đỉnh điểm của sự căng thẳng là việc giữa Sơn và chị A. xảy ra to tiếng, Sơn tiếp tục ngăn cản không cho người tình mua bán ma túy những chị A. không nghe mà còn tỏ thái độ thách thức Sơn.
Giận dữ và tự ái, Sơn lăm lăm vào nhà vệ sinh lấy can xăng và tuyên bố: “Nếu em còn cố tình làm việc này nữa, cả anh và em cùng chết”. Dứt lời, Sơn dốc can xăng đổ lên đầu nhân tình, châm lửa. Với mục đích ban đầu là doạ dẫm, sau thấy tình nhân bén lửa, Sơn hoảng sợ lấy chăn trùm vào đầu chị A. để dập lửa và nhanh chóng đưa chị này đi cấp cứu nhưng do vết bỏng sâu lại rộng nên chị Đỗ Thị Vân A. đã không qua khỏi.
Bà Lan, mẹ bị hại và hai đứa cháu ngoại cùng mẹ khác cha… |
Một mái đầu bạc chơ vơ…
Vuốt vội những lọn tóc loà xoà, bà Đỗ Thị Lan (SN 1956) để lộ đôi mắt đau buồn. Bà sinh được 2 người con gái, Vân A. là con cả và dường như cũng là đứa gánh vác mọi thiệt thòi. Câu chuyện đời của người phụ nữ xấu số ấy phải chăng được gieo từ những mất mát thuở bé để rồi vận sâu vào kiếp hồng nhan. Bà Lan bộc bạch: “Bố của Vân A. đã qua đời từ ngày nó còn bé xíu, một mình tôi phải bươn chải để nuôi các con trưởng thành.
Do cuộc sống khó khăn, năm Vân A. 11 tuổi, tôi đành phải để lại cho mẹ đẻ chăm sóc, còn mình rời quê hương sang Ukraina buôn bán nhỏ lẻ để mưu sinh. Từ đó đến nay, những lần về nước chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Khi đứa con gái cả trưởng thành rồi đi lấy chồng, tôi cũng chẳng thể có mặt để chứng kiến ngày vui của con; hay ngay cả lúc hôn nhân đổ vỡ, tôi cũng chẳng thể về an ủi, động viên con…”.
Ký ức đứt quãng, mơ hồ ùa về khiến những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt rầu rĩ của bà Lan. Những tin tức về con trong bà chỉ từ những lần trao đổi qua điện thoại. Cô con gái Vân A. luôn luôn nói rằng cuộc sống của cô vẫn diễn ra bình thường, hạnh phúc như bao người con gái khác. Nhưng không ngờ, đó chỉ là những lời nói dối để mẹ khỏi lo lắng: “Ngày nhận được tin gia đình báo rằng Vân A. bị bỏng xăng rất nặng và đang nằm điều trị tại Viện Bỏng Trung ương. Không may trong thời gian đó ở Ukraina, tôi bị cướp hết tiền bạc, hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân khác”.
Bà Lan cho biết, ngay sau đó, bà đã phải vay mượn một số bạn bè tại Ukraina một khoản lộ phí đi đường rồi tức tốc tới đại sứ quán tại nước sở tại để làm thủ tục về nước gấp. Tuy nhiên, khi bà về tới Việt Nam, con gái bà đã tử vong: “Ngày về được đến Việt Nam cũng là ngày làm cơm 3 ngày cho nó, tôi thực sự bị sốc, mọi người trong gia đình hoàn toàn giấu tin không cho tôi biết. Trước đó, mọi người chỉ nói là con tôi bị bỏng nặng, nhưng không nói là có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng”, bà Lan nói trong nước mắt nhạt nhoà...
Bị cáo với mái đầu bạc trắng ở tuổi 42 chỉ biết thi thoảng gật khẽ cùng ánh mắt vô hồn. |
Những mái đầu xanh bơ vơ
Cuộc trò chuyện với bà Lan chốc chốc lại đứt quãng bởi sự hồn nhiên của hai đứa trẻ thắt vành khăn trắng. Có lẽ chúng còn quá nhỏ để ý thức được sâu sắc những giông tố đang vần vũ trên đầu mình: “Chúng nó là hai anh em cùng mẹ khác cha đấy. Thế nhưng chúng lại thân thiết và yêu thương nhau lắm…”.
Bà Lan dõi theo hai đứa trẻ vô tư nô đùa, hất tung vạt khăn tang như phụ kiện trong trò chơi dồn bắt mà hai anh em thay phiên thủ vai. Chạy chán, mồ hôi ướt đẫm chúng mới sốt sắng hỏi bà: “Bà ơi, hôm nay giỗ mẹ hay sao lại buộc khăn?” – Kiều Tuấn N. (SN 2003) ngơ ngác hỏi trong khi đứa em nhỏ Dương Hà P. (SN 2008) tỉ tê vuốt từng đường trang trí trên di ảnh đầy lạ lẫm: “Sao mọi ngày bà bảo không được động vào mẹ mà hôm nay bà lại mang cả mẹ đến đây?”.
Dường như đã quen với sự ngô nghê của hai đứa trẻ, bà Lan thở dài rồi đáp một tiếng qua loa như để hai đứa trẻ hiểu bà đã nghe thấy câu hỏi của chúng. Quanh quẩn chán, hai đứa trẻ hiếu động lại chạy đi, bỏ lại bà Lan chơ vơ bên di ảnh người con gái bạc mệnh trong không gian tĩnh lặng…
Thế nhưng cũng chính nhờ không gian ấy mới nhận ra một cô gái trẻ lầm lũi, cúi gằm phía hàng ghế kế bên. Và mãi đến khi bị cáo được dẫn giải ngang qua, cô ngước lên mới để lộ đôi mắt đã sũng ướt tự khi nào. Đó là người con gái của Đặng Anh Sơn với người vợ đã ly hôn của anh: “Từ ngày bố nó đi, nó cũng yên lặng theo. Đến giờ thì thành trầm cảm và gần như hiếm có ai còn được nghe nó nói một lời” – người phụ nữ tự xưng là em gái bị cáo cho hay.
Nhìn hình ảnh cô bé 13 tuổi, gầy nhẳng, đôi mắt thâm quầng tất tả đi mượn giấy bút, viết viết vài con chữ lên tấm giấy rồi vội vã giơ lên cho bố đọc, thật khó có thể tin được rằng trước kia cô là một cô gái hoạt bát, nhanh nhạy và thông minh. Đáp lại hành động ấy của con gái, ông bố tuổi 42 với mái đầu bạc trắng chỉ biết thi thoảng gật khẽ cùng ánh mắt vô hồn…
Nhưng ngoài nỗi xót xa ấy chắc hẳn ai cũng sẽ bất giác hoang mang khi biết được hiện giờ cô bé mới bước vào tuổi dậy thì này đang phải sống những tháng ngày bất định, nay ở tạm nhà cô này, mai ở nhà bác nọ: “Chúng tôi cũng không muốn đâu nhưng kinh tế và hoàn cảnh mỗi nhà đều không mấy khấm khá, lại đều là phận làm dâu nên đưa con của anh về sống cũng cũng có đôi chút bất tiện…”.
Nói lời sau cùng của mình, Đặng Anh Sơn buồn bã trình bày: “Bị cáo và bị hại rất yêu nhau. Sống chung cũng không có mâu thuẫn gì. Bị cáo không mong muốn hậu quả này xảy ra. Bị cáo gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại. Vì tình yêu đích thực mà bị cáo đã cố ngăn không cho bị hại đi vào con đường tội lỗi, cuối cùng lại thành ra chuyện đau lòng này...”.
Sau những lời ăn năn của kẻ gây ra cái chết cho con gái mình, bà Lan lau khô gò má như gạt bớt đi những oán hận và xin toà xem xét giảm tội cho bị cáo. Phải chăng sự im lặng của bà, sự tĩnh tại của tấm lòng người mẹ cũng đã nhận ra sự thẫn thờ trong ánh mắt của kẻ sát nhân cũng ngập tràn những mất mát, thương yêu, ân hận. Phải chăng bà đã nhận ra hành động của người đàn ông kia xét cho cùng cũng là vì con gái mình?.
Phiên toà kết thúc, 16 năm tù có thể được cho mức án khoan hồng mà Đặng Anh Sơn phải trả nhưng có lẽ mức án về nỗi mất mát thương yêu mà chính y gây ra thì sẽ còn đeo đẳng y cho đến hết quãng đời còn lại…