Gạt đi những giọt nước mắt lăn dài trên má, bà Lê Thị Hồng (SN 1963 thường trú ở phường Long Phước, Thị xã Phước Long, Bình Phước) vẫn chưa hết đau khổ khi kể về cái chết của con trai. Đau đớn hơn, khi hung thủ gây ra cái chết cho con trai bà lại chính là vợ của nạn nhân, con dâu của bà.
Nhìn vào di ảnh thờ của con trai Nguyễn Văn Cường (SN 1984), bà Hồng vẫn chưa thể nào bớt nguôi ngoai khi nỗi đau mất mác quá lớn đã ập xuống gia đình.
Bà kể lại, ngày trước con dâu bà Phan Thị Thùy Trang (SN 1991) và người cháu ruột của bà có tình cảm và sống chung như vợ chồng. Phát hiện Trang có mối quan hệ phức tạp bên ngoài, nên anh họ của Cường chủ động chia tay rồi đi lấy vợ. Vì buồn chán nên Trang mời Cường đi nhậu để vơi đi nỗi buồn.
Sau cuộc nhậu, Trang và anh Cường đã “trút bầu tâm sự” với nhau trong một nhà nghỉ. Biết được chuyện, bà Hồng đã chủ động gặp Trang để phân tích mối quan hệ này là phải chấm dứt. Vì Cường không thể quan hệ tình cảm với người vợ hụt của anh họ được và Trang đã đồng ý nghe lời bà.
Hai vợ chồng Cường - Trang ngày còn mặn nồng. |
Nhưng không bao lâu sau, gia đình phát hiện Cường xin tiền để cùng Trang dắt nhau đi một nơi xa sống chung, cho khỏi bị ràng buộc. Chưa biết xử lý như thế nào, thì chuyện “động trời” lại ập đến.
Vào năm 2007, Trang đến nhà thông báo là mình đã có thai với Cường được ba tháng. Cường cũng thừa nhận đứa con trong bụng chính là giọt máu của mình.
“Một đám cưới bất đắc dĩ đã được tổ chức, bên nhà gái thì tổ chức linh đình, còn phía nhà trai vì quá hổ thẹn nên chỉ đến rước dâu”, bà Hồng nghẹn ngào kể lại.
Vừa cưới về không được bao lâu thì chuyện cãi vã của cặp vợ chồng trẻ này xảy ra như cơm bữa. Thương con nên bà Hồng mua một căn nhà nhỏ để hai đứa ra sống riêng rồi làm lại từ đâu.
Tuy nhiên, có lẽ vì không thể vượt qua sự đàm tiếu của miệng đời và mâu thuẫn của hai người ngày càng căng thẳng nên bi kịch đau lòng đã xảy ra.
Khoảng giữa tháng 12/2009, Trang bồng con về nhà ngoại gửi. Đến khi trở về nhà thấy anh Cường đang ngồi trò chuyện với mấy người bạn đến nhà chơi.
Thấy vậy, Trang lớn tiếng “chỉ biết suốt ngày ăn nhậu, không chịu san đất nên rác ngập lên tận đầu”. Sợ mất mặt trước bạn bè, Cường quát lại: “còn mày thì suốt ngày cũng lo ăn nhậu, áo quần con thay ra ba bốn ngày không giặt”.
Cuộc “khẩu chiến” xảy ra. Vì quá nóng giận, Cường cầm ca nước bằng nhựa ném vào người Trang. Không phải tay vừa, Trang cầm bàn chải giặt đồ chống trả…Thấy vậy, anh Huỳnh Văn Thanh Viễn (SN 1987) lao vào can ngăn.
Viễn vừa hòa giải xong, thì bất ngờ Cường túm đầu đánh Trang. Quyết không chịu thua, Trang chụp con dao Thái Lan giơ lên thách thức “ông đánh nữa là tôi đâm”.
Tưởng vợ chỉ dọa nên Cường lao vào. Thế là hai nhát dao từ tay của Trang vung lên đã đâm trúng Cường ở vai và bụng,. Anh Cường đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Theo kết quả khám nghiệm tử thi, Cường chết do tác động tác động bởi vật nhọn vào vùng bụng gây thủng gan, tràn máu ổ bụng, gây mất máu dẫn đến tử vong.
Ngày 9/6/2010, Viện kiểm sát nhân dân Thị xã Phước Long ra quyết định truy tố bị can Trang về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3, Điều 104 của Bộ luật hình sự.
Điều mà bà Hồng bức xúc là sau khi giết chồng, Trang bị Công an Thị xã Phước Long bắt tạm giữ vài ngày rồi cho tại ngoại.
“Ngày ra khỏi trại tạm giam tưởng nó đến nhà thắp nén nhang để tạ lỗi với chồng, nhưng không ngờ nó còn cặp với người yêu qua lại trước nhà bấm còi inh ỏi để khiêu khích. Giờ nó tiếp tục mang thai với người khác để trốn tránh sự truy cứu của pháp luật. Tại sao, Trang phạm tội giết người, nhưng Viện kiểm sát Thị xã Phước Long chỉ truy tố về tội cố ý gây thương tích. Vậy thử hỏi công lý nằm ở đâu?”, bà Hồng đau đớn nói.
Theo thông tin từ anh Viễn, nhân chứng trong vụ án giết người này cho biết: “Sau khi can ngăn xong thì tôi quay đi chỗ khác, lúc nhìn lại thì thấy hai đứa lại lao vào nhau. Lúc đó, Trang cầm dao đâm một nhát vào vai của Cường, rồi đâm tiếp nhát thứ 2 vào bụng và Cường gục xuống tại chỗ”.
Hiện bà Hồng đã viết đơn khiếu nại và yêu cầu Công an tỉnh Bình Phước và Viện kiểm sát nhân dân, tòa án phải xét xử đúng người, đúng tội đối với Phan Thị Thùy Trang.
Thọ Lang