Ngày 28/9/2012 vừa qua, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa xét xử hai bị cáo Nguyễn Đức Thuận (SN 1994) và Phạm Thiện Thành (SN 1995, đều ngụ thôn Tiên Ninh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) về tội “Giết người”. Thuận và Thành đã gây ra vụ trọng án này chỉ vì một tin đồn vu vơ rằng trẻ em thôn mình bị một thanh niên thôn khác bắt nạt.
Bị cáo Nguyễn Đức Thuận (trái) và bị cáo Phạm Thiện Thành |
Từ rất sớm, người dân xã Vạn Khánh đã kéo đến trụ sở TAND tỉnh Khánh Hòa để tham dự phiên xét xử “sát thủ” Nguyễn Đức Thuận và đồng bọn Phạm Thiện Thành gây ra cái chết của anh Võ Kim Thuận (SN 1991, ngụ thôn Diêm Điềm, xã Vạn Khánh) hồi tháng 1/2012.
Đứng trước vành móng ngựa, đầu Nguyễn Đức Thuận lúc nào cũng trong tư thế cúi gằm, thi thoảng Thuận có liếc mắt nhìn về phía nhà nạn nhân và những người thân của mình. Còn Thành mang gương mặt không biểu lộ cảm xúc.
Trước khi bắt đầu xét xử, mẹ của hai bị cáo Thành và Thuận ngồi trên hàng ghế đầu nhìn hai đứa con mà sụt sùi, dấm dứt khóc. Bà Đào Thị Kim Nga (SN 1971, mẹ nạn nhân Thuận), khi nghe vị Viện kiểm sát đọc cáo trạng cũng không cầm được nước mắt tiếc thương người con trai ra đi một cách oan uổng.
Trước Tòa, bị cáo Nguyễn Đức Thuận khai: Vào khoảng tháng 1/2012, nghe mấy em nhỏ cùng làng nói bị anh Võ Kim Thuận ở thôn Diêm Điềm ăn hiếp. Trước đó, Nguyễn Đức Thuận từng có va chạm với anh em nhà Võ Kim Thuận nên hắn tức sôi máu, quyết tìm đối thủ để trả thù. Vậy là, tối 17/1/2012, Nguyễn Đức Thuận lặng lẽ đi sang nhà bà Nguyễn Thị Kim Nga (có họ hàng) lấy một con dao cán gỗ dài 42cm mà thường ngày bà Nga vẫn dùng thái chuối cho vịt ăn để “phòng thân”, sau đó đi đến nhà thờ Diêm Điềm (thuộc thôn Diêm Điềm) với ý đồ đánh anh em nhà Võ Kim Thuận.
Tại đây, Thuận tình cờ gặp Phạm Thiện Thành điều khiển xe máy chở Phạm Thế Vũ đi đến. Thuận đưa dao cho Vũ giữ và nói Thành chở Thuận sang thôn Tân Dân (thuộc xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) rủ thêm người đi cho “khí thế”. Tuy nhiên, khi sang xã Vạn Thắng, Thuận không gặp được ai nên đành bảo Thành chở mình quay về nhà thờ Diêm Điền. Thuận gặp Vũ lấy con dao rồi đứng chơi quanh đó.
Đến 19h30 cùng ngày, Nguyễn Đức Thuận phát hiện anh Võ Kim Thuận đi đến nhà thờ chơi nên định cùng Thành lao vào đánh anh này. Tuy nhiên, do lúc đó nhà thờ có đông người nên 2 tên này bàn nhau chờ anh Võ Kim Thuận về thì đánh.
Một lúc sau, nhóm thanh niên tụ tập ở nhà thờ đã ai về nhà nấy, lúc này chỉ còn lại một mình anh Võ Kim Thuận đi bộ về dọc theo lề đường Nguyễn Huệ. Thấy vậy, Thuận bảo: “Thằng Thuận “Phát” (tên thường gọi của anh Võ Kim Thuận - PV) đi một mình kìa, giờ mình qua đánh nó”. Thấy Thuận cầm dao, Thành hỏi: “Mắc mớ gì mày đánh nó?”. “Bữa trước nó đánh thanh niên thôn tao”, Thuận trả lời. Nghe vậy, Thành không hỏi gì thêm, điều khiển xe chở Thuận chạy theo.
Gần đến nơi, Nguyễn Đức Thuận kêu Thành áp sát anh Võ Kim Thuận và vung dao chém một nhát vào vùng cổ trái anh này. Thành và Thuận đi cùng chiều, ra tay bất ngờ từ phía sau nên nạn nhân không hề hay biết đề phòng, lãnh trọn nhát chém. Anh Võ Kim Thuận chỉ kịp hét lên một tiếng rồi gục tại chỗ. 2 kẻ “cắn trộm” bỏ chạy.
Người dân sống gần đó nghe tiếng kêu thất thanh liền chạy ra, đến nơi thấy anh Võ Kim Thuận nằm trên vũng máu, họ báo tin về nhà cho gia đình nạn nhân, sau đó nạn nhân được đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên khi đến bệnh viện, bác sỹ nói nạn nnhân đã tử vong từ trước đó. Biên bản giám định pháp y của cơ quan điều tra sau đó cho biết, nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Võ Kim Thuận là: Suy tuần hoàn cấp do vết thương đứt lìa động tĩnh mạch cảnh trái.
Sau khi nhận được thông tin vụ án, Công an huyện Vạn Ninh bằng các biện pháp nghiệp vụ đã xác định được hung thủ. Nguyễn Đức Thuận và Phạm Thiện Thành đã bị bắt ngay trong đêm hôm đó. Con dao gây án được Thành lẻn vào nhà bà Nga và để lại chỗ cũ không rõ từ lúc nào. Đêm hôm đó, công an đến nhà bà Nga để thu giữ con dao này, bà Nga mới kinh ngạc té ngửa người. Bà không ngờ con dao của mình đã bị đứa cháu lấy đi gây án.
Người dân trong xã Vạn Khánh tham dự phiên tòa cho biết: Diêm Điềm là một thôn theo đạo Công giáo, thanh niên làng này khá hiền lành. Tuy nhiên, vì thanh niên các thôn khác thường qua thôn Diêm Điền chơi rồi quậy phá nên thanh niên thôn Diêm Điền mới “nóng mắt” mà “lên tiếng”. Thế nên mới có chuyện xảy ra hiềm khích giữa các thanh niên với nhau, nhưng không ngờ lại có vụ án mạng nghiêm trọng đến vậy.
Nỗi tủi hổ của mẹ bị cáo Nguyễn Đức Thuận |
Tại Tòa, Nguyễn Đức Thuận đã khai nhận mọi hành vi phạm tội của mình một cách thành khẩn. Thuận cũng khai thêm, trước kia Thuận và anh em nhà nạn nhân Võ Kim Thuận từng có xích mích. Cụ thể, có một lần Nguyễn Đức Thuận qua thôn Diêm Điềm chơi và có mâu thuẫn với anh Võ Kim Thuận, sau đó qua nhà giảng hòa nhưng bị anh em Kim Thuận đánh. Việc đó xảy ra đã lâu lắm rồi, chính Nguyễn Đức Thuận cũng không nhớ rõ thời gian, nhân tiện có chuyện của đám đàn em trong xóm, hắn không biết thực hư thế nào đã lăm lăm xách dao đi đánh người.
Trước vành móng ngựa, Nguyễn Đức Thuận cũng thừa nhận hành vi của mình là mang tính hung hăng, côn đồ. Bản thân Thuận chỉ học hết lớp 6 rồi nghỉ ở nhà. Thuận sớm bước vào nghề xẻ đá ở quê để mưu sinh. Vì nghỉ học sớm rồi đi làm nên sự quản lý của cha mẹ Thuận với con trai có phần lỏng lẻo. Thuận chơi bời với ai, làm những gì bên ngoài cha mẹ đều không hay.
Bị cáo Phạm Thiện Thành cũng tỏ ra hối lỗi vì biết được ý đồ của Nguyễn Đức Thuận là đánh người nhưng không can ngăn còn giúp bạn thực hiện hành vi phạm tội. Bản thân Thành cũng chỉ học hết lớp 9, sau đó đi làm nghề phụ hồ cho các công trình ở xa nhà. Hôm xảy ra sự việc là gần tết nên về quê nghỉ, tối hôm đó, Thành lấy xe máy của bố đi chơi rồi gây ra sự việc như trên.
Trước khi tòa nghị án, được phép nói lời cuối cùng, cả Nguyễn Đức Thuận và Phạm Thiện Thành đều xin lỗi gia đình bị hại. “Bị cáo rất ăn năn, hối lỗi về hành động của mình. Mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm được trở về với gia đình và chuộc lại lỗi lầm”, Thuận nói. Do thời điểm phạm tội, cả hai bị cáo đều thuộc trường hợp từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên cộng thêm các tình tiết giảm nhẹ, Tòa tuyên án: Nguyễn Đức Thuận 16 năm tù giam, Phạm Thiện Thành 9 năm tù giam đều về tội “Giết người”. Cả hai bị cáo phải liên đới bồi thường cho gia đình bị hại.
Kết thúc phiên tòa, những gia đình có con em vương vào vụ án này đều ngậm ngùi ra về trong nước mắt vì những nỗi đau riêng. Cái chết thương tâm của đứa con trai được nhắc lại trong suốt phiên tòa khiến mắt bà Nga lúc nào cũng đỏ hoe. Còn 2 người mẹ của 2 bị cáo thì khóc rấm rức khi thấy con trai họ tay bị còng số 8 phải lên xe về trại...
Văn Thịnh