Nỗ lực 'lật kèo' của Trump đe dọa tường thành chính trị Mỹ

Quá trình thách thức kết quả của Trump có thể không thành công, nhưng sẽ là tiền lệ nguy hiểm cho các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tương lai.

Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm mọi phương án nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, có lẽ không nhiều người chú tâm đến từng ngóc ngách trong một số quy định của chính trị Mỹ, vốn được các lãnh đạo, giới chính trị gia xem như điều hiển nhiên của một nền dân chủ.

Nhưng khi Trump kiên quyết không chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống và tìm mọi cách để "lật kèo", từ hàng chục vụ kiện ở tòa án các cấp cho đến nỗ lực thách thức phiếu đại cử tri tại phiên họp quốc hội 6/1, nền dân chủ Mỹ đang đối mặt phép thử lớn nhất kể từ sau Hội nghị Lập hiến năm 1787. Một trong những điều tưởng như là "hiển nhiên" nhưng đang bị chú ý nhiều nhất là Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri (ECA) năm 1887.

Chỉ cách đây vài tuần, ECA còn được coi là một trong những đạo luật mang tính hình thức và ít người biết đến nhất của Mỹ, bởi bản chất của nó chỉ quy định cách phiếu đại cử tri được kiểm trong phiên họp chung của lưỡng viện quốc hội.

Theo đó, trong phiên họp này, phó tổng thống Mỹ, với tư cách chủ tịch Thượng viện, chịu trách nhiệm mở những phong bì chứa phiếu bầu của đại cử tri đoàn từ mỗi bang. Sau đó, chúng sẽ được trao cho hai người kiểm phiếu của Hạ viện và hai người từ Thượng viện, để họ đọc kết quả, tổng hợp và tuyên bố số phiếu cuối cùng dành cho mỗi ứng viên tổng thống, phó tổng thống. Trong phiên họp ngày 6/1/2013, toàn bộ quá trình này chỉ mất 23 phút.

Tuy nhiên, nội dung của ECA không dừng lại ở đó, mà còn bao gồm quy trình thách thức phiếu đại cử tri. Kiến nghị thách thức phiếu đại cử tri cần được đệ trình bằng văn bản và có chữ ký ủng hộ từ ít nhất một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ.

Nếu yêu cầu này được đáp ứng, Thượng viện và Hạ viện sẽ họp riêng để tranh luận về kiến nghị, sau đó biểu quyết về việc có chấp thuận hay không. Kiến nghị chỉ được thông qua nếu đa số thành viên của cả hai viện đều biểu quyết nhất trí.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động cho các ứng viên thượng nghị sĩ tại thành phố Valdosta, bang Georgia, hôm 5/12. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động cho các ứng viên thượng nghị sĩ tại thành phố Valdosta, bang Georgia, hôm 5/12. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, không phải điều khoản nào được nêu trong đạo luật cũng rõ ràng. Nhiều câu trong đó có tới 200 chữ, gây ra nhiều cách diễn giải khác nhau và không quy định rõ ràng cách xử lý mọi tình huống phát sinh. Dù vậy, cho tới nay chưa có bất kỳ tình huống phức tạp nào trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nảy sinh từ ECA.

Suốt 133 năm kể từ khi ECA được thông qua, chỉ có hai lần phiếu đại cử tri bị thách thức vào năm 1969 và 2005, nhưng hai trường hợp đều bị cả Hạ viện và Thượng viện bác bỏ.

Lần gần đây nhất hồi năm 2005, khi hai nghị sĩ Dân chủ Barbara Boxer và Stephanie Tubbs Jones thách thức chiến thắng tại Ohio của cựu tổng thống George W. Bush trước ứng viên Dân chủ John Kerry. Hạ viện và Thượng viện sau khi thảo luận đều đã bác bỏ kiến nghị với kết quả biểu quyết lần lượt là 267-31 và 74-1.

Tuy nhiên, nỗ lực xoay chuyển tình thế của Trump được cho là nghiêm trọng hơn nhiều. Dựa trên những tuyên bố công khai, ít nhất hơn 10 thượng nghị sĩ và 140 hạ nghị sĩ Cộng hòa dự kiến biểu quyết phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại nhiều bang chiến trường.

Trong trường hợp các nghị sĩ Cộng hòa bác bỏ thành công kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn trong cuộc họp ngày 6/1, không còn ai đủ khả năng thay đổi cục diện bầu cử, dù phiếu phổ thông đã ngã ngũ, phiếu đại cử tri cũng đã được thống đốc các bang chứng nhận, mọi thách thức pháp lý đều đã bị bác bỏ tại tòa án.

"Mặc dù tới nay chúng ta chưa từng đánh giá đầy đủ về kịch bản này, sự thật là bất chấp một cuộc bỏ phiếu toàn quốc với loạt biện pháp bảo vệ kỹ lưỡng về kỹ thuật và pháp lý, ghế tổng thống Mỹ thực sự vẫn do 535 nghị sĩ quốc hội định đoạt", bình luận viên Chris Truax của USA Today nhận định.

Nỗ lực thách thức kết quả bầu cử vào phút chót của phe Cộng hòa gần như chắc chắn thất bại, điều mà bản thân họ cũng nhận thức rõ. Hạ viện hiện nằm dưới sự kiểm soát của phe Dân chủ, còn lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đang cố gắng ngăn chặn "cuộc nổi dậy". Ít nhất 4 thượng nghị sĩ Cộng hòa, bao gồm Mitt Romney, Lisa Murkowski, Pat Toomey và Ben Sasse, cũng cam kết bảo vệ kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, theo bình luận viên Truax, những động thái chưa từng có tiền lệ trong thời gian qua của Trump cùng các đồng minh đặt ra mối nguy hiểm đối với nền chính trị Mỹ, bởi nó có thể một hình mẫu đáng sợ cho các cuộc bầu cử tổng thống sau này.

"Lần thách thức tiếp theo sẽ xuất hiện. Giờ đây, chúng ta có thể thấy rõ rằng dưới hệ thống quy định về kiểm đếm phiếu đại cử tri, một đảng kiểm soát cả hai viện quốc hội có thể tùy ý đưa ứng viên của họ lên ghế tổng thống, bất chấp kết quả phiếu phổ thông, miễn là các đảng viên có đủ ý chí chính trị để thực hiện kế hoạch này", Truax phân tích.

Theo ông, các nhà lập quốc Mỹ đã vạch ra một loạt rào chắn để bảo vệ nền dân chủ, nhưng nỗ lực "lật kèo" của Trump giờ đây cho thấy bức tường phòng thủ đó hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức về danh dự, trách nhiệm và tính toàn vẹn của các nghị sĩ, điều không còn được coi là chuẩn mực hiện nay. "Đó có thể là thực tế trần trụi, đáng xấu hổ, nhưng nó chính là thế giới chính trị mà chúng ta đang sống", Truax viết.

Bình luận viên này cho rằng bên cạnh đạo luật kiểm phiếu đại cử tri cần được cập nhật và củng cố, hệ thống kiểm soát chính trị Mỹ cũng không còn phù hợp với những thách thức hiện nay. Dự án Những Hàng rào bảo vệ Dân chủ đã xác định hàng chục "lỗ hổng" trong cấu trúc hiến pháp Mỹ cần được khắc phục khẩn cấp.

Dù không đưa ra được bằng chứng xác đáng nào cho cáo buộc gian lận cử tri, Trump vẫn không ngừng tìm cách tạo thay đổi kết quả. Theo bản ghi âm cuộc gọi kéo dài một tiếng giữa Tổng thống với Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger ngày 2/1 được truyền thông Mỹ đăng tải, ông chủ Nhà Trắng ban đầu cầu xin sau đó đe dọa Raffensperger nhằm tác động để quan chức Georgia thay đổi kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, Raffensperger, một đảng viên Cộng hòa, đã bác bỏ yêu cầu, nói rằng Tổng thống chỉ đang cố gắng dựa vào những thuyết âm mưu vô căn cứ. Bất chấp điều đó, nền tảng ủng hộ Trump bên cánh hữu có khả năng tiếp tục được củng cố và trở thành môt phe phái chính trị lâu dài.

Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows hôm 2/1 kêu gọi những đồng nghiệp cũ của ông tại Hạ viện "chiến đấu". Phó tổng thống Mike Pence, người dường như từng tìm cách né tránh rắc rối, cũng ra tín hiệu ủng hộ nỗ lực "lật kèo" bầu cử, khi văn phòng của ông ra tuyên bố cho biết Pence "hoan nghênh" nỗ lực sử dụng thẩm quyền theo luật của các nghị sĩ để phản đối và đưa ra bằng chứng trước quốc hội, cũng như người dân Mỹ vào ngày 6/1.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden dường như tránh phản ứng gay gắt về những kế hoạch của đảng Cộng hòa. Trong một bài phát biểu tháng trước, ông chỉ lưu ý về hàng chục thách thức pháp lý thất bại từ chiến dịch của Trump, đồng thời ca ngợi giới chức và nhân viên bầu cử vì đã làm nhiệm vụ dưới "áp lực chính trị, bình luận ác ý, thậm chí đe dọa bạo lực".

Tuy nhiên, các thành viên khác của đảng Dân chủ tỏ ra kém ôn hòa hơn. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất với Biden trong vòng sơ bộ, chỉ trích kế hoạch "lật kèo" của phe Cộng hòa là một nỗ lực "thảm hại" và hướng tới xâm phạm hiến pháp.

"Tất cả đều chứng minh Trump và những kẻ cực hữu đang chối bỏ ý chí của người dân, cùng sự thật là Trump đã thất cử. Họ dùng những lời nói dối và cáo buộc thiếu căn cứ về gian lận cử tri để lật ngược kết quả bầu cử, một sự xúc phạm đối với nền dân chủ", Sanders cho biết trong một tuyên bố.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.