Vụ án “siêu lừa” xảy ra tại Gia Lai, từng gây chấn động dư luận đã khép lại bằng Bản án Phúc thẩm ngày 27/7/2010 của Tòa Phúc thẩm – TANDTC tại Đà Nẵng, với mức án chung thân cho Mai Quý Thọ, Phạm Thị Én và 14 năm tù cho Mai Diêu Kiều Trinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng liên quan đến việc áp dụng các quy định của luật tố tụng cũng như luật nội dung cần phải được trao đổi, làm rõ.
Tòa án có vượt quá phạm vi xét xử?
Theo Điều 196 BLTTHS, tòa chỉ có thể xét xử khác với quan điểm truy tố của Cáo trạng trong hai trường hợp: một là, “xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật”; hai là, “xét xử về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố”. Ngoài hai nội dung nêu trên, tất cả các vấn đề còn lại liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo đều phải được xét xử trên cơ sở phạm vi truy tố của Cáo trạng.
Trong vụ án này, Cáo trạng của VKSND tỉnh Gia Lai kết luận số tiền 8,5 tỷ đồng Én nhận của Phan Thị Hồng ngày 8/6/2007 là do Én chiếm đoạt và xác định Én là người thực hành trong vụ án. Thế nhưng, cả án sơ thẩm, phúc thẩm đều quy kết Thọ là người chiếm đoạt, Én chỉ là người giúp sức chứ không phải “người thực hành” như cáo trạng nêu. Việc này có vi phạm Điều 196 BLTTHS về giới hạn của việc xét xử không? Có làm xấu đi tình trạng pháp lý của bị cáo Thọ không? Đây là vấn đề hiện còn nhiều ý kiến khác nhau.
Về tách vụ án hay tách “hành vi”?
Theo lời khai của Thọ, trong tổng số tiền chiếm đoạt, Thọ đã sử dụng gần 33 tỷ đồng để trả tiền thua độ bóng đá cho một số đối tượng ở Đà Nẵng, Gia Lai, Nha Trang, Quy Nhơn và TP.HCM do thực hiện hành vi đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá với các đối tượng này. Tại “Bản kết luận Điều tra” của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cũng xác định: tổng số tiền Thọ chuyển cho các đối tượng qua hệ thống ngân hàng khoảng trên 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đối tượng trên không thừa nhận hành vi đánh bạc với Thọ mà khai rằng đó là tiền Thọ vay mượn.
Như vậy, việc Thọ dùng số tiền chiếm đoạt để chuyển cho các đối tượng là hoàn toàn có thật. Vấn đề còn lại là cần xác định lý do của việc chuyển tiền này là gì? Trả tiền thua độ bóng đá, trả nợ hay là tẩu tán tài sản?
Phiên tòa xử Mai Quý Thọ và đồng bọn
Việc làm rõ các vấn đề trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một mặt nó đảm bảo được quyền lợi của người bị hại, mặt khác là tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm. Theo đó, tùy thuộc vào kết quả điều tra, các đối tượng trên có thể sẽ bị khởi tố về hành vi “đánh bạc”, “che giấu tội phạm” hoặc tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” để xử lý số tiền mà họ đã nhận từ Thọ.
Như vậy, không thỏa đáng khi tách hành vi chuyển tiền của Thọ để xử lý bằng một vụ án khác như các cơ quan tố tụng đã làm. Bởi đây không phải là tiền của Thọ mà là tài sản do Thọ chiếm đoạt của bị hại, nên phải được làm rõ và xử lý trong cùng vụ án.
Thế nhưng, cả án sơ thẩm của TAND tỉnh Gia Lai và Phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm – TANDTC tại Đà Nẵng đều chấp nhận quan điểm của Cáo trạng về việc “tách hành vi đánh bạc” ra khỏi vụ án. Như vậy, việc “tách hành vi đánh bạc” trong trường hợp này có đồng nghĩa với việc tách vụ án theo Điều 117 BLTTHS không? Nếu không thì cơ quan tố tụng căn cứ vào quy định nào để tách hành vi “đánh bạc” ?
Theo Điều 117 BLTTHS, CQĐT chỉ có thể nhập hoặc tách vụ án chứ không có quy định nào cho phép “tách hành vi” khi chưa xác định được hành vi đó có cấu thành tội phạm hay không? Nói khác, cơ quan tố tụng chỉ có thể tách vụ án khi đã có quyết định khởi tố vụ án. Trong trường hợp này, hành vi đánh bạc chưa bị khởi tố nên không thể thực hiện thủ tục tách vụ án. Còn nếu cho rằng, các cơ quan tố tụng chỉ “tách hành vi” chứ không phải “tách vụ án” thì rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vì luật TTHS không có điều khoản nào cho phép “tách hành vi”.
Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để quyết định mức bồi thường thiệt hại của từng bị cáo, liệu có đúng?
Về nguyên tắc, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự đối với các tội phạm về xâm phạm sở hữu nói chung, các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt, khoản tiền mà mỗi bị cáo được hưởng lợi để xem xét trách nhiệm hình sự cũng như quyết định mức bồi thường dân sự của từng bị cáo.
Thế nhưng, cả hai bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm không xác định số tiền cụ thể từng bị cáo chiếm đoạt (hay hưởng lợi) để quyết định mức bồi thường thiệt hại, mà căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để quyết định mức bồi thường dân sự của từng bị cáo (?). Theo đó, bị cáo Thọ phải bồi thường 66%, bị cáo Én 30%, bị cáo Trinh 4% trên tổng số tiền bị chiếm đoạt là 71,38 tỷ đồng.
Đây là một vấn đề chưa từng có trong lịch sử tố tụng và hoàn toàn trái với các quy định của BLHS. Bởi tại Điều 45 BLHS quy định rõ: Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội chỉ là căn cứ để tòa án xem xét trong việc quyết định hình phạt chứ không phải là căn cứ để xác định trách nhiệm dân sự hay quyết định mức bồi thường thiệt hại như bản án phúc thẩm đã vận dụng.
Ngoài ra, cũng không có một văn bản pháp luật nào quy định tòa án xác định trách nhiệm dân sự hay quyết định mức bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự theo cách chia tỷ lệ phần trăm như đã nêu trên.
Áp dụng pháp luật là vấn đề luôn đòi hỏi sự chuẩn mực và chính xác từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tiễn xét xử vụ án “Mai Quý Thọ cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý có tính căn bản mà chúng tôi thiết nghĩ, cần phải được làm rõ để có một cách hiểu và vận dụng pháp luật thật sự chính xác.
LS.HỒ NGỌC DIỆP
ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HỒ CHÍ MINH