Dòng chảy âm thầm
Theo một nghiên cứu toàn cầu vào tháng 7 năm 2022, ước tính một người trung bình dành 2 giờ 29 phút mỗi ngày để xem các trang mạng xã hội hay các trang web tương tự. Đối với nhiều người, dùng mạng xã hội có thể chiếm phần lớn thời gian trong ngày, thậm chí còn là cơn nghiện khó có thể vượt qua.
UK Addiction Treatment (UKAT), tổ chức chuyên điều hành các trung tâm “cai nghiện” mạng xã hội thống kê rằng số lượng người tìm đến để được giúp đỡ đã tăng đến 5% chỉ trong vòng 3 năm qua.
Phong trào rời bỏ mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ đã manh nha tại nhiều nước trên thế giới từ nhiều năm trước, khi mạng xã hội đang bắt đầu phát triển vượt bậc và đang bắt đầu có xu hướng gây ra nhiều tác động xấu đến người dùng. Không ít ngôi sao thể thao, nghệ sĩ nổi tiếng, doanh nhân của Mỹ và châu Âu cũng từng tuyên bố “tẩy chay”, rời bỏ mạng xã hội họ đang sử dụng.
Khảo sát mới đây của Ngân hàng đầu tư Piper Sandler, Mỹ cho thấy, Instagram, một trong các mạng xã hội thịnh hành nhất thế giới đang mất dần sức hấp dẫn với các thế hệ tiếp theo. Chỉ 22% người được hỏi trong độ tuổi từ 7 đến 22 coi đây là ứng dụng yêu thích. Giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài Instagram, các ứng dụng từng được Gen Z (nhóm người sinh năm 1997 đến 2012) ưa chuộng, giờ đây cũng trở nên nhạt nhẽo. Cuộc thăm dò của Tallo tháng 12/2021 phát hiện chỉ còn 4% số người trẻ thường xuyên dùng Facebook. Trong khi tỷ lệ này ở Twitter là 2%.
Trong cuộc khảo sát của Tallo, 56% Gen Z cho biết “mạng xã hội khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi khỏi bạn bè”. Olivia Eriksson, 21 tuổi, sinh viên Kỹ thuật hóa học Columbia chia sẻ với người thực hiện khảo sát rằng mình thường có cảm xúc lẫn lộn, như đang sống không thực.
Olivia đã từng dành phần lớn thời gian để chỉnh sửa, đăng tải ảnh đẹp lên mạng xã hội. Sau một thời gian cảm thấy sống vô nghĩa, cô đã xóa Instagram, thôi sử dụng mạng xã hội.
Một báo cáo của Meta - công ty mẹ của Facebook - cho thấy lượng người dùng đã giảm đáng kể, đây là lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra tình trạng này.
Hilda Burke, nhà trị liệu tâm lý và đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách “The Phone Addiction Workbook” chia sẻ: “Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra được thời gian mình đã lãng phí vì hầu hết các điện thoại đều hiển thị thông tin về thời gian sử dụng. Nhìn thấy tổng số lượng thời gian ta sử dụng mạng xã hội trong ngày sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ. Hãy thử thông báo với bạn bè rằng mình sẽ từ bỏ mạng xã hội để họ không cố gắng liên lạc với chúng ta thông qua nó. Hãy sử dụng các cách thức liên lạc quen thuộc như gọi điện thoại”.
Tại Việt Nam, mạng xã hội cũng đang chiếm lĩnh phần nhiều đời sống của giới trẻ và gây ra những hệ lụy không nhỏ. Đó là tình trạng nghiện, phụ thuộc mạng, tình trạng mất cân bằng tâm lý, trầm cảm, mất kết nối với những người chung quanh. Đó còn là những hệ lụy từ việc một bộ phận giới trẻ muốn nổi tiếng trên mạng mà bất chấp đạo đức và pháp luật, gây ra những hành vi phản cảm khó tha thứ.
Trước thực trạng đó, nhiều người trẻ đã lựa chọn cách hạn chế hoặc ngưng sử dụng mạng xã hội. Ngày càng nhiều người trẻ tham gia trào lưu “Tối giản kĩ thuật số”, một trào lưu du nhập từ phương Tây và xuất hiện tại Việt Nam trong năm năm gần đây. Người tham gia trào lưu này không phải “nói không” hoàn toàn với internet mà sẽ giản lược tất cả những tác động không cần thiết của mạng xã hội vào đời sống. Họ chỉ dùng mạng cho công việc thiết yếu, xóa bỏ tất cả những ứng dụng không cần thiết trên thiết bị điện tử cá nhân, lọc tất cả các mối liên hệ không bao giờ liên lạc, không đăng tải hay đọc những điều không cần thiết trên mạng, dùng những cách thức truyền thống hơn để liên lạc với bạn bè...
Dù hoạt động âm thầm, không rầm rộ nhưng cộng đồng những người tối giản kĩ thuật số tại Việt Nam, mà chủ yếu người trẻ tham gia ngày một lớn mạnh. Nó như một xu thế của người trẻ dùng để chống lại những tác động tiêu cực mà mạng xã hội đã gây ra cho đời sống chúng ta.
Những người trẻ lội ngược dòng
Trong những năm qua, đã có không ít bạn trẻ tự nguyện rời bỏ mạng xã hội để tìm cho mình một đời sống thực tế. Có người, từ “con nghiện” mạng xã hội đã quyết tâm “cai” được và tìm cho mình ý nghĩa cuộc sống. Cũng có những bạn trẻ, ngay từ đầu đã hiểu và hạn chế mạng xã hội để có một cuộc sống thực tế và bình yên. Và hầu hết trong số họ đều đã tìm được ước mơ cho chính mình, sống hữu ích trong cuộc đời thực.
Nguyễn Phan Trung Anh (26 tuổi) từng là một hot Facebooker với số người theo dõi lên đến hơn 500.000 người. Mỗi một bài đăng trên trang cá nhân, Trung Anh nhận được hàng ngàn lượt yêu thích, hàng trăm comment. Thời gian đầu, Trung Anh cũng cảm thấy rất tự hào và vui thích. Mạng xã hội đem đến cho Trung Anh sự ngưỡng mộ từ những người chung quanh, thêm nhiều mối quan hệ mới và cả một ít thu nhập đến từ việc giới thiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, được một thời gian, Trung Anh nhận ra rằng mình đang bị lệ thuộc trầm trọng vào mạng xã hội, chàng trai trẻ mất dần những mối quan hệ thân thiết, thay vào đó là những mối quan hệ ảo. Mỗi khi không lên mạng là Trung Anh lại bứt rứt, khó chịu. Cho đến khi tự dưng bị “tai vạ trên trời rơi xuống”, bị “ném đá” vì một lần lỡ miệng trên mạng đến mức rối loạn tâm lý, Trung Anh đã quyết tâm từ bỏ mạng xã hội. Chàng trai không còn đăng tải liên tục trên mạng và cài đặt chế độ “chỉ bạn bè” cho trang cá nhân của mình. Tham gia trào lưu tối giản kĩ thuật số được 2 năm, Trung Anh thấy mình nhẹ nhàng, thanh thản và vui vẻ hơn nhiều. Trung Anh dành nhiều thời gian hơn để học ngoại ngữ và phát triển công việc của mình.
Dương Huyền Thanh hạn chế mạng xã hội, hướng đến nhiều hoạt động tích cực trong đời sống. |
Dương Huyền Thanh, 25 tuổi, hiện đang sống và làm việc tại Đà Lạt thì chia sẻ “bí quyết” để hạn chế sử dụng mạng trong đời sống hàng ngày như sau: “Mình hạn chế bằng cách tắt thông báo của tất cả thể loại mạng xã hội. Mình dùng Facebook nhưng không tải app Facebook mà mỗi khi dùng vào bằng trình duyệt để gây “chướng ngại tâm lý”. Mỗi khi cầm máy lên và chuẩn bị chạm ngón tay vào app mạng xã hội, mình sẽ dừng lại 1 giây xem mình có đang thật sự cần nó không, mình có đang trốn tránh điều gì không? Mình lên mạng thực sự chỉ khi bất đắc dĩ, khi có nhu cầu công việc hay giao tiếp, chứ không lên chỉ để lướt trong vô nghĩa và luôn ý thức mỗi hành động mình làm trên mạng”.
Hiện nay, Dương Huyền Thanh đang làm việc tại một đơn vị tổ chức workshop ở Đà Lạt, cô đồng thời là người điều phối Nia - bộ môn chuyển động nuôi dưỡng Thân - Tâm - Trí kết hợp múa, võ thuật, yoga và các nghệ thuật chữa lành khác.
Còn Trần Nguyễn Vũ Hoàng, 31 tuổi, người điều hành Bản Yên Retreat, một nông trại chuyên tổ chức các hoạt động hướng về vun đắp đời sống tinh thần, kết nối thiên nhiên thì có cách hạn chế dùng mạng xã hội rất đơn giản. Vũ Hoàng tắt mạng hầu hết thời gian trong ngày, chỉ dùng điện thoại để liên lạc. Mỗi ngày, Hoàng dùng thời gian cố định ngắn ngủi vào buổi tối để lên mạng. Thời gian còn lại của ngày, Vũ Hoàng dùng để làm việc, thực hành thiền, yoga...
Đồng thời, Hoàng và các bạn đã tổ chức nhiều hoạt động giúp người trẻ hướng về kết nối với chính mình, trong đó có hạn chế mạng xã hội. Một chương trình được yêu thích mà Hoàng đã tổ chức là “24 giờ trong rừng thông”, với việc mỗi người ở trong lều riêng của mình, kết nối với thiên nhiên, lắng nghe nội tâm, hạn chế nói chuyện và hoàn toàn không dùng điện thoại.
Cứ như thế, trong dòng chảy ngầm của đời sống, những người trẻ vẫn âm thầm chọn cho mình những bước đi ngược dòng, tìm về lối sống chân thực, lành mạnh, hữu ích cho chính mình và cộng đồng.