10 năm sau ngày kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ, tờ Independent của Anh đã điểm lại sự kiện 11/9 qua các con số.
Tòa tháp đôi ở Manhattan, New York bốc cháy hôm 11/9/2001.
Con số ám ảnh nhất trong sự kiện chấn động cả thế giới này chính là số người thiệt mạng. Vài tuần sau vụ khủng bố, giới chức Mỹ cho rằng đã có đến 6.000 người chết trong các vụ tấn công. 10 năm sau, con số này được làm rõ là 2.996 người, trong đó có 19 tên không tặc, 246 hành khách cùng phi hành đoàn trên 4 chuyến bay và 125 người ở Lầu Năm Góc. Trong số những người đã chết, chỉ có 289 thi thể còn nguyên vẹn được kéo ra từ đống đổ nát tại ở địa điểm sau đó được gọi là Điểm Số Không (Ground Zero), còn thi thể của 41% nạn nhân vẫn chưa được nhận dạng, hầu hết thân nhân của họ chỉ nhận được các mảnh thi thể hoặc giấy chứng tử.
17.400 người được cho là đang ở trong WTC ở thời điểm diễn ra vụ tấn công. Hai tòa tháp đã trụ lại được lần lượt là 56 và 102 phút sau khi bị đâm. Theo thống kê của tờ USA Today, 200 người đã nhảy xuống hoặc bị rơi qua cửa sổ trước khi toà tháp đôi sụp đổ. Một số người rơi xuống đất chỉ trong vòng 10 giây.
411 nhân viên cứu hộ, trong đó có 341 lính cứu hoả, đã thiệt mạng. Người đầu tiên trong số này tử nạn vì bị một người phụ nữ rơi từ trên cao xuống đè phải.
Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là em bé 2 tuổi Christine Hanson. Christine đi cùng bố mẹ tới công viên Disney ở California trên chuyến bay 175 bị không tặc khống chế. Ngoài ra còn 8 đứa trẻ khác, đều là hành khách trên các chuyến bay bị tấn công, cũng đã tử nạn trong ngày 11/9.
Ngân hàng đầu tư Cantor Fitzgerald, nằm trên tầng 101 đến 105 của toà tháp phía Bắc, là doanh nghiêp có nhiều nhân viên thiệt mạng nhất trong trong vụ tấn công với 658 người, chiếm gần 1/4 số người thiệt mạng.
23 người bị kẹt dưới toà tháp đôi khi tháp sụp đổ được cứu sống. Người cuối cùng được cứu sau 27 tiếng đồng hồ. 3.000 trẻ em, trong đó hơn 100 bé còn chưa chào đời, đã trở thành trẻ mồ côi sau vụ tấn công. 100 chú chó cứu hộ được đưa đến khu vực Điểm Số Không để tìm kiếm các nạn nhân. 12 con trong số này hiện vẫn còn sống.
1,5 triệu tấn vật liệu đã được thu gom từ khu vực WTC. Hơn 4.000 bức ảnh và rất nhiều vàng trong một ngân hàng (trị giá hơn 640 triệu USD ở thời điểm hiện tại) đã được tìm thấy sau vụ 11/9.
100 triệu USD là giá trị ước tính các tác phẩm nghệ thuật bị phá huỷ trong WTC, trong đó có nhiều bức hoạ nổi tiếng của Picasso, Hockney và Joan Miro. 25 triệu USD là khoản tiền thưởng Chính phủ Mỹ trao cho người cung cấp thông tin để bắt hoặc giết chết Osama bin Laden.
Chính quyền Mỹ vẫn bị nghi đứng sau vụ tấn công
Mức độ thiệt hại của vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 là điều đã quá rõ ràng, nhưng đối với một số người Mỹ, cái chết của gần 3.000 người chưa phải là điều kinh hoàng nhất. Theo họ, điều rùng rợn nhất chính là thủ phạm của vụ khủng bố.
Kết quả một cuộc thăm dò do đài phát thanh BBC phối hợp với hãng nghiên cứu Gfk NOP thực hiện đầu năm 2011 cho thấy, 14% người được hỏi không tin vào giải thích của nhà chức trách rằng Al Qaeda đứng đằng sau các vụ tấn công mà nghiêng về giả thuyết chính quyền Mỹ mới là thủ phạm dàn dựng vụ việc.
Hãng tin AFP cũng dẫn kết quả một cuộc thăm dò của tập đoàn truyền thông Scripps Howard vào năm 2006 cho biết, có 36% người dân Mỹ tin vào một hình thức âm mưu nào đó của chính phủ trong vụ 11/9.
Những người tin vào giả thuyết này cho rằng chính quyền của Tổng thống Bush hoặc các đặc vụ của Israel đã sử dụng thuốc nổ gài sẵn và tên lửa để làm nổ tung WTC và Lầu Năm Góc. Theo họ, nguyên nhân là do là ông Bush muốn tìm kiếm sự biện hộ cho các cuộc xâm lược Iraq và Afghanistan cũng như siết chặt các quyền tự do dân sự trong nước. (Còn nữa)
Hà Dung (theo Independent, AFP)